Phát biểu tại họp báo, Mi Feng, một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, xác nhận số bệnh nhân được chữa khỏi đang tăng nhanh, trong khi tình hình dịch bệnh đã đạt được một số kết quả tích cực nhờ việc tăng cường các biện pháp chống virus.
Tính đến ngày 11/2, tổng cộng đã có 4.740 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi phục hồi.
Tại Nga, một bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm virus đã được xuất viện tại thành phố Chita, vùng Siberia. Đây là trường hợp nhiễm bệnh thứ 2 phục hồi tại Nga. Bệnh nhân trước đó cũng là một người Trung Quốc đã phục hồi và được đưa khỏi khu cách ly tại Tyumen.
Nhà chức trách Nga hiện đã cách ly hàng trăm công dân trong nước và du khách tới từ Trung Quốc để kiểm tra virus. Trong tuần này, nhà chức trách Nga đã cách ly một nhà ngoại giao Trung Quốc để phòng ngừa.
Cùng ngày, hãng chế tạo máy bay Boeing đã cảnh báo về hậu quả của COVID-19, khẳng định dịch bệnh này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành hàng không và nền kinh tế nói chung.
Dịch COVID-19 đã lan rộng hơn nhiều quốc gia trên thế giới, buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Nhiều hãng hàng không lớn đã phải hủy các chuyến bay tới Trung Quốc, nơi lệnh phong tỏa đã được áp đặt tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi một số nước đã cấm du khách tới từ Trung Quốc.
Phát biểu với báo giới tại triển lãm hàng không lớn nhất châu Á đang diễn ra tại Singapore, Phó Chủ tịch cấp cao của Boeing Ihssane Mounir nhấn mạnh việc một số hãng hàng không toàn cầu giới hạn chuyến bay qua Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến doanh thu nói chung. Những người kinh doanh sẽ không thể đi công tác, trong khi các doanh nghiệp không thể vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không. Điều này sẽ tác động đến kinh tế và thu nhập của nhiều nhóm. Ngành hàng không cũng sẽ không tránh được tác động này.
Ước tính hơn 70 doanh nghiệp đã quyết định rút khỏi sự kiện triển lãm, trong khi lượng khách tới xem cũng giảm mạnh do lo ngại virus. Trung tâm triển lãm trở nên vắng vẻ bất thường do nhiều công ty không tham gia sự kiện. Ban tổ chức phải sử dụng máy đo thân nhiệt để kiểm tra nhiệt độ của những người tham dự và khuyến cáo những người tham gia tránh bắt tay khi chào hỏi.
Trong khi đó, nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi nguồn cung toàn cầu. Chi nhánh sản xuất ô tô tại Hàn Quốc của General Motors (Mỹ) đã thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất vào tuần tới do thiếu nhiều bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc. Hãng sản xuất ô tô Nissan của Nhật Bản và Huyndai của Hàn Quốc cũng chịu tác động tương tự. Tuy nhiên, Boeing vẫn nhận được các bộ phận máy bay từ Trung Quốc và ông Mounir cho biết vẫn chưa ghi nhận tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất của công ty.
Theo một báo cáo nội bộ được công bố cùng ngày, Ngân hàng DBS của Singapore đã sơ tán 300 nhân viên tại trụ sở sau khi có thông tin về một trường hợp nhiễm virus tại đây. Người đứng đầu DBS tại Singapore Shee Tse Koon đã xác nhận trong báo cáo rằng trường hợp nhiễm bệnh này làm việc ở tầng 43 của trụ sở DBS Asia Central. Để phòng ngừa, toàn bộ 300 nhân viên tại tầng này đã được sơ tán và sẽ làm việc tại nhà. Nhân viên của DBS khẳng định các tầng khác đều không bị ảnh hưởng.
Tính đến thời điểm này, Singapore đã ghi nhận 47 trường hợp nhiễm virus nCoV, nâng cảnh báo y tế lên màu Cam, giống như khi Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát năm 2002-2003. Trong tuần này, nhiều doanh nghiệp Singapore đã cho đo thân nhiệt của các nhân viên khi tới công sở. Một số công ty, trong đó có DBS, đã hủy các cuộc họp trực tiếp, mà thay vào đó các cuộc họp trực tuyến.