Các quan chức Lầu Năm Góc đánh giá rằng nếu Trung Quốc không ký INF thì Mỹ sẽ chịu thiệt bởi 90% số tên lửa phóng từ mặt đất mà Bắc Kinh phát triển đều nằm trong nhóm vi phạm hiệp ước này. Về phần mình, Mỹ muốn có thêm tự do để tăng cường lực lượng tên lửa trong khu vực.
Ngày 20/10, Tổng thống Trump tuyên bố ông có ý định rút khỏi INF với lý do Nga không tôn trọng hiệp ước được ký năm 1986 bởi Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Tờ Politico (Mỹ) trong khi đó đánh giá tuyên bố của Tổng thống Trump xuất hiện ở thời điểm sau gần một năm trời ròng rã các quan chức quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương cố gắng tìm cách thuyết phục Trung Quốc ký INF nhưng chưa đạt được thành quả.
Trợ lý của Đô đốc Hải quân Harry Harris – ông Eric Sayers - nhận định: “Chúng tôi rất lo ngại về mất cân bằng quân sự tại châu Á. Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược dựa trên tên lửa”.
Trong đầu năm 2018, tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Đô đốc Harris cho rằng các hiệp ước đã gây hạn chế và Washington không sở hữu tên lửa phóng từ mặt đất có thể đối trọng với Bắc Kinh.
Phía Mỹ cho rằng sẽ là sai lầm nếu Mỹ và Nga cứ tuân thủ INF, trong khi đó do không ký tham gia, Trung Quốc những năm qua đã thoải mái phát triển các loại tên lửa tầm trung.
Trong khi đó, Tướng Không quân Mỹ Paul Selva cho rằng mặc dù INF cấm tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất nhưng Mỹ vẫn có thể sản xuất loại tên lửa tương tự phóng từ tàu ngầm hoặc chiến hạm, máy bay.
Ngày 22/10, ông Jim Miller từng làm việc trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama còn nhận định rằng hệ thống phóng tên lửa từ trên biển và trên không thậm chí còn phù hợp hơn với khu vực Thái Bình Dương.