Theo văn phòng kiểm soát lũ lụt thành phố, 649 tàu đã được sơ tán hoặc quay trở lại cảng để tìm nơi trú ẩn, 54 chuyến tàu hỏa và 26 chuyến phà đã tạm dừng hoạt động. Ngày 19/9, các khu vực ở Thượng Hải đã nâng cấp mức cảnh báo bão khi cơn bão hướng đến thành phố.
Lượng mưa bắt đầu tăng trên khắp Thượng Hải từ 2h sáng 20/9, với lượng mưa trung bình toàn thành phố đạt 73,28 mm vào lúc 9h sáng. Trong số 614 trạm thời tiết, 151 trạm ghi nhận lượng mưa lớn hoặc đáng báo động. Trạm khí tượng Yangjiazhai ở quận Fengxian, noi bão đổ bộ trực tiếp, và trạm khí tượng Nichen Park ở quận Pudong đã ghi nhận lượng mưa hơn 300 mm trong vòng 6 giờ, phá vỡ kỷ lục lượng mưa từng ghi nhận cả 2 quận kể từ khi công tác quan sát khí tượng bắt đầu.
Các video đăng trên mạng xã hội ngày 20/9 cho thấy mực nước dâng cao ở một số khu vực gây ngập úng cục bộ nhưng cho đến nay, không có thiệt hại nghiêm trọng hoặc thương vong nào được báo cáo. Một đoạn video do Tập đoàn truyền thông Thượng Hải thuộc sở hữu nhà nước công bố cho thấy khoảng 10 chiếc ô tô đã bị hỏng ở khu vực bị ngập do nước lũ. Nhiều khu vực bị ngập từ sáng sớm nhưng đến khoảng 11h trưa 20/9 đã được dọn dẹp và khô ráo.
Pulasan, cơn bão thứ 14 trong năm, đổ bộ vào Fengxian của Thượng Hải tối 19/9 với tốc độ gió tối đa 83 km/giờ, đánh dấu lần thứ 2 bão đổ bộ Trung Quốc. Trước đó cùng ngày, bão đã vào tỉnh Chiết Giang trong lần đổ bộ đầu tiên lên lục địa Trung Quốc. Dù vẫn gây mưa lớn nhưng bão Pulasan được dự báo sẽ suy yếu dần khi di chuyển vào đất liền.
Trước đó, hồi đầu tuần, Thượng Hải cũng đã hứng chịu bão Bebinca, cơn bão thứ 13 trong năm nay và được cho là cơn bão mạnh nhất đổ bộ thành phố này trong 75 năm qua. Bão Bebinca đã khiến hơn 1.800 cây gãy, đổ và 30.000 hộ gia đình mất điện, chính quyền phải sơ tán hơn 400.000 người trên khắp Thượng Hải trước cơn bão. Các nhà khoa học tin rằng biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính đang làm gia tăng tần suất và cường độ các đợt thiên tai, thời tiết khắc nghiệt.