Quan chức ngoại giao Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với chính phủ và các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan, đồng thời hy vọng rằng chính phủ mới sẽ tiếp thu ý kiến của các nhóm sắc tộc và đảng phái ở Afghanistan, đáp ứng nguyện vọng của người dân Afghanistan và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.
Trước đó, cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ không ủng hộ chính phủ lâm thời do Taliban thành lập ở Afghanistan, nêu rõ rằng lực lượng này đã không giữ cam kết về một chính phủ toàn diện với sự góp mặt của nữ giới và các nhóm tôn giáo khác.
Ông Peter Stano - người phát ngôn về chính sách đối ngoại của EU - nêu rõ đây không phải là một cơ cấu có tính toàn diện và đại diện cho sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo của Afghanistan mà Brussels hy vọng được chứng kiến và như điều mà lực lượng Taliban đã hứa hẹn trong những tuần qua.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cũng thể hiện thái độ cảnh giác đối với chính phủ lâm thời của Taliban, trong đó bao gồm nhiều nhân vật có tên trong danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) hoặc bị Mỹ truy nã. Ông khẳng định "EU sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo" cho Afghanistan, tuy nhiên khoản viện trợ dài hạn này sẽ phụ thuộc vào cách thức Taliban duy trì các quyền tự do cơ bản của người dân.
Ngày 7/9, Taliban công bố thành phần chính phủ lâm thời, trong đó không có đại diện phụ nữ hoặc thành viên không thuộc Taliban, trong khi những vị trí chủ chốt lại do những người hiện nằm trong danh sách trừng phạt của LHQ hoặc bị Mỹ truy nã với các cáo buộc khủng bố.