Giới phân tích cho rằng trong thời gian qua, chính sách hộ khẩu tại các thành phố lớn đã khiến nhiều người lao động tỉnh lẻ tới đây làm việc không thể tiếp cận với các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đang chuẩn bị cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu đã tồn tại hàng chục năm qua để cho phép người dân từ các vùng nông thôn có hộ khẩu thường trú ở các thành phố.
Để gia tăng tốc độ “hội nhập hoàn toàn” của người dân tỉnh lẻ, Trung Quốc có kế hoạch nới lỏng quy định hạn chế cư trú ở hầu hết các khu vực thành thị và khởi động hệ thống tính điểm để thay thế hệ thống đăng ký hộ khẩu theo dự thảo đề cương Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của chính phủ.
Dự thảo được công bố vào ngày 5/3 vừa qua tại Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 65% dân số Trung Quốc sinh sống tại thành phố.
So sánh với 60% tính đến cuối năm 2019, mục tiêu này đồng nghĩa với việc mỗi năm cần 10 triệu người chuyển từ sinh sống tại nông thôn lên thành thị.
Theo dữ liệu chính thức của chính phủ, khoảng 40% trong tổng số 40 triệu người làm việc tại các thành phố là “người lao động tỉnh lẻ”.
Hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc trước đây được xác định dựa vào nơi sinh của một người. Nếu như không có hộ khẩu ở thành phố, nhiều gia đình của người lao động tỉnh lẻ sẽ không được tiếp cận với phúc lợi xã hội hoặc dịch vụ chính phủ từ hưởng lương hưu cho đến giáo dục công.
Theo dự thảo Kế hoạch 5 năm, hệ thống hộ khẩu sẽ được xóa bỏ tại các thành phố có số dân trên 3 triệu người.
Các thành phố có từ 3 đến 5 triệu dân sẽ nới lỏng các yêu cầu về cư trú trong khi các siêu đô thị với dân số hơn 5 triệu người sẽ ra mắt một hệ thống tính điểm - dựa trên các yếu tố như thời gian lưu trú và hồ sơ thanh toán an sinh xã hội - để xác định liệu một người có thể trở thành công dân chính thức tại các thành phố này hay không. Dự thảo cũng đưa ra một số trường hợp ngoại lệ song không nêu rõ chi tiết đó là gì.
“Các dịch vụ công cơ bản sẽ được cung cấp cho những người đăng ký thường trú. Chính quyền địa phương phải được khuyến khích phục vụ nhiều tiện ích hơn và cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và nhà ở cho người từ các tỉnh an cư lập nghiệp tại thành phố”, dự thảo đề cập.
Từ lâu, các nhà phê bình đã kêu gọi loại bỏ hệ thống hộ khẩu để thu hẹp khoảng cách nông thôn-thành thị nhưng các chính quyền địa phương lập luận việc đó sẽ khiến quản lý cư trú gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang quyết tâm loại bỏ hệ thống này nhằm xoa dịu những đòn giáng kinh tế và xã hội chưa từng có do xung đột thương mại với Mỹ gây ra.
Ông Yi Fuxian - nhà kinh tế và nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison - cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu, việc làm và sức tiêu dùng của Trung Quốc.
“Dưới sức ép kinh tế, Trung Quốc có động lực thúc đẩy cải cách để giải phóng sức tiêu dùng của lao động nhập cư. Trên 100 triệu người dân các tỉnh đang ở các thành phố làm việc. Nếu chính phủ loại họ ra khỏi diện hưởng phúc lợi, về lâu dài thực trạng đó sẽ dẫn đến khủng hoảng xã hội”, chuyên gia Yi giải thích.
Trong hàng chục năm qua, Trung Quốc chứng kiến một phép màu xảy đến với nền kinh tế nước này một phần là từ đóng góp của làn sóng những người nông thôn di cư đến các thành phố, hình thành lực lượng lao động lớn.
Tuy nhiên, lực lượng lao động của Trung Quốc đã giảm kể từ khoảng năm 2012 và tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng ở các thành thị do người lao động trở về quê hương, “Năm 2017, có khoảng 172 triệu người từ các vùng nông thôn đến thành phố làm việc. Con số này tuy lớn song tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Ngày nay, ngày càng ít người rời làng quê lên thành thị làm việc. Theo hệ thống đăng ký thường trú, nhiều lao động nhập cư chọn trở về nhà khi họ già đi vì họ không có lương hưu ở các thành phố”, Cai Fang, Phó chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh năm ngoái.
Ông Peng Peng - Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, một tổ chức tư vấn trực thuộc chính quyền tỉnh - cho biết nhiều chính quyền địa phương ở tỉnh đã tìm cách thu hút nhân tài từ nông thôn.
Cụ thể, các thành phố như Quảng Châu và Thâm Quyến cấp hộ khẩu cho sinh viên tốt nghiệp đại học và một số lao động các ngành như giáo viên, thợ hàn đến từ các tỉnh nhỏ. “Người dân ở các tỉnh nhỏ có nhiều lựa chọn trước khi lập nghiệp. Nhiều chính quyền địa phương đang nâng cấp cơ sở hạ tầng để cải thiện hệ thống giao thông, thu hút người ở các tỉnh đến làm việc và sinh sống tại các thành phố”, ông Peng nêu ví dụ.