Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng Canada nên "sửa chữa sai lầm" vì đã bắt CFO của tập đoàn Trung Quốc.
Phát biểu trên được ra đúng ngày mở phiên tòa xem xét dẫn độ mà Mạnh Vãn Châu từ Canada sang Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada hồi đầu tháng 12/2018 theo yêu cầu của Washington. Bà được bảo lãnh tại ngoại và sống tại một trong hai dinh thự của mình tại Vancouver trong thời gian chờ đợi phiên tòa diễn ra suốt một năm qua. Sáng 20/1, bà đã tới tòa án để tham gia phiên tòa đầu tiên liên quan tới lệnh dẫn độ sang Mỹ.
Để được tự do, CFO Huawei và các luật sư của bà cần phải thuyết phục được thẩm phán rằng các cáo buộc của Mỹ nhằm vào bà này là không phù hợp với luật Canada và có động cơ chính trị.
Giới chức Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu có hành vi lừa dối ngân hàng HSBC về mối quan hệ giữa Huawei và một chi nhánh tại Iran tên là Skycom, đẩy ngân hàng HSBC vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Trong cáo trạng, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng có bằng chứng cho thấy bà Mạnh Vãn Châu đã lừa dối HSBC để ngân hàng này tiếp tục cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho Huawei. CFO Huawei phủ nhận mọi cáo buộc.
Giai đoạn một của phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sẽ kéo dài khoảng 5 ngày. Giai đoạn hai của phiên tòa này sẽ được mở vào tháng 6/2020, tranh luận liệu quyết định bắt giữ bà tại sân bay quốc tế Vancouver ngày 1/12/2018 có vi phạm quyền của bà này hay không.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Canada, trong giai đoạn 2008-2018, gần 90% số người bị bắt giữ tại Canada theo đề nghị của Mỹ, đã bị dẫn độ về Mỹ.
Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu đã đẩy Canada vào “thế kẹt” trong mối quan hệ với hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh Huawei là một tập đoàn hàng đầu tại Trung Quốc. Mối quan hệ đang trong giai đoạn sóng gió giữa Canada và Trung Quốc không chỉ bị chi phối do liên quan đến số phận của bà Mạnh Vãn Châu, mà còn bởi quyết định của Ottawa có cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G ở “xứ sở lá phong” hay không.