Trong tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi hành động pháp lý trong khuôn khổ WTO nhằm giải quyết các mối quan ngại, cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Tuyên bố nêu rõ các biện pháp hạn chế của Mỹ "đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu".
Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Adam Hodge cho biết đã nhận được đề nghị tham vấn từ phía Trung Quốc liên quan các hành động của Mỹ ảnh hưởng tới các thiết bị bán dẫn. Theo ông Hodge, Mỹ đã liên lạc với Trung Quốc và đã nêu rõ các hành động này liên quan đến an ninh quốc gia, theo đó khẳng định "WTO không phải là diễn đàn phù hợp để thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia".
Đề nghị tham vấn là bước đầu tiên trong thủ tục giải quyết tranh cãi gồm nhiều bước tại WTO. Tuy nhiên, Mỹ đã chặn việc bổ nhiệm thẩm phán tại Cơ quan Phúc thẩm WTO gồm 7 thành viên. Điều này đồng nghĩa một số tranh cãi sẽ không bao giờ được giải quyết.
Khiếu nại của Trung Quốc kích hoạt quá trình giải quyết tranh chấp của WTO. Theo quy định, Mỹ có 60 ngày để tham gia tham vấn giữa các bên. Nếu tham vấn không thành công, phía Trung Quốc có thể thực hiện các bước tiếp theo. Có thể mất vài năm để giải quyết vụ kiện thông qua quy trình giải quyết tranh chấp của WTO. Ngay cả khi Trung Quốc thắng kiện, Mỹ vẫn có khả năng phủ quyết bằng cách kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm WTO.
Khiếu nại của Trung Quốc đối với việc hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ được đưa ra vài ngày sau khi WTO ra phán quyết bất lợi với Mỹ trong một vụ kiện khác do Trung Quốc và các nước khởi xướng, liên quan việc đánh thuế kim loại. Mỹ đã bác bỏ phán quyết này của WTO.