Trung Quốc không muốn là bãi rác của thế giới

Trung Quốc nhiều năm qua được cho là “bãi rác của thế giới”, với ngành kinh doanh phế liệu phát triển mạnh mẽ, tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người. Nhưng giờ đây, nhà chức trách đang kiểm soát chặt chẽ ngành công nghiệp tái chế, vốn góp phần vào sự xuống cấp môi trường của nước này.


Công nghiệp tái chế bùng nổ


Trên thực tế, ngành công nghiệp tái chế rác thải của Trung Quốc đã bùng nổ trong suốt 20 năm qua. Quốc gia đông dân nhất thế giới này sẵn sàng “hy sinh” sự trong lành của môi trường, mỗi năm nhập hàng triệu tấn phế thải như nhựa, sắt, thép, máy tính hỏng, báo cũ… từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.


Norbert Zonnefeld, Giám đốc điều hành Hiệp hội tái chế thiết bị điện tử châu Âu, cho biết hàng năm khu vực này thu hồi khoảng 2,2 triệu tấn kim loại và nhựa để tái chế và đã chuyển từ 15 - 20% trong số đó sang Trung Quốc.


Trung Quốc đang kiểm soát chặt ngành công nghiệp tái chế.


Theo Kim Holmes, người đứng đầu Hiệp hội công nghiệp nhựa tái chế tại Washington, khoảng một nửa số rác thải nhựa được thu thập để tái chế ở Mỹ đều chuyển đến Trung Quốc.


Trong khi đó, ông Zhang Xuefeng - Phó Chủ tịch công ty Heyi Fluoroplastic Co tại Quảng Đông - cho biết, các cuộn dây điện phế liệu chỉ là đồ bỏ đi với nhiều người nhưng lại là nguồn sống của hơn 1.000 người dân nơi đây. Tỉnh này đã nhập khẩu khoảng 2,5 triệu tấn phế liệu hàng năm, 65% trong số đó đến từ nước Mỹ. Chỉ riêng tại thành phố Thanh Viễn với dân số chưa đến 2 triệu người, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác.


Tuy nhiên, các nhà môi trường Trung Quốc từ lâu cũng đã phàn nàn rằng ngành công nghiệp tái chế đang đầu độc không khí, nước và đất của nước này. “Hệ thống tái chế chất thải cần phải được hiện đại hóa để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, nhà hoạt động môi trường Lin Xiaozhu nói.


“Hàng rào xanh”


Trước nguy cơ môi trường sống bị đe dọa, Trung Quốc hiện đang triển khai chiến dịch mang tên “Hàng rào xanh” (Green Fence) như là một giải pháp nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm môi trường. Green Fence còn thể hiện cam kết của Bắc Kinh nhằm làm cho nền kinh tế nước này “sạch” và hiệu quả hơn sau ba thập kỷ tăng trưởng chóng mặt, khiến cho các con sông bị ô nhiễm nặng và các thành phố lớn thì nghẹt thở vì khói bụi.


Mục đích của Green Fence là kiểm soát và thực hiện chặt chẽ các tiêu chuẩn về nhập khẩu rác, sau khi các nhà chức trách Trung Quốc nhận thấy có quá nhiều vật liệu phế thải không thể tái chế và thậm chí còn gây nguy hiểm cho người dân. Theo đó, Bắc Kinh mới đây đã từ chối nhập khẩu hàng trăm côngtennơ chất thải được cho là gây ô nhiễm hoặc phế liệu hỗn hợp phân loại chưa đúng cách.


Theo quy định mới, Trung Quốc chỉ cho phép nhập các lô chất thải tái chế chứa dưới 1% các vật liệu không thể tái chế. Trước đó, giới chức hải quan nước này cho biết đã phát hiện một số lô rác thải chứa đến 40% vật liệu không thể tái chế. Với sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho hay, nhập khẩu nhựa thải loại của nước này đã giảm 11,3% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3,5 triệu tấn, sau một thập kỷ tăng vọt.


Các công ty tái chế rác của Mỹ và châu Âu hoạt động tại Trung Quốc khẳng định họ ủng hộ những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn về rác thải, nhưng việc giám sát chặt chẽ hơn đã làm giảm lượng nhập khẩu rác và tăng chi phí tái chế.


Mặc dù vậy, những người trong ngành công nghiệp tái chế cho rằng đầu tư vào công nghệ sạch sẽ có tính cạnh tranh cao vì những doanh nghiệp có sản phẩm gây ô nhiệm nặng hơn đối thủ sẽ bị đánh bật khỏi thị trường. Đồng thời chiến dịch trên của Trung Quốc cũng tạo ra cơ hội mới để xử lý rác thải ngay tại Mỹ và châu Âu thay vì vận chuyển rác đi khắp thế giới.

 

Công Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN