Động thái này được cho là sẽ tiếp tục làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Tại họp báo ngày 24/6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết vụ kiện là nhằm "đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng Australia sẽ có hành động cụ thể để sửa đổi các thông lệ sai trái của mình, tránh làm rối loạn các hoạt động buôn bán những sản phẩm liên quan và đưa hoạt động thương mại trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất".
Vụ kiện được đưa ra một tuần sau khi Canberra kiện Bắc Kinh về các mức thuế chống bán phá giá của Trung Quốc đối với rượu vang, khiến việc xuất khẩu của rượu vang của Australia vào thị trường Trung Quốc gần như chấm dứt hoàn toàn. Trước đó, tháng 12/2020, Australia cũng đã chính thức khởi kiện Trung Quốc lên WTO về việc áp đặt mức thuế cao hơn 80% đối với mặt hàng lúa mạch xuất khẩu của Australia.
Phát biểu với báo giới tại Canberra, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết nước này sẽ "bảo vệ mạnh mẽ các mức thuế mà chúng tôi đang thực thi". Tuy nhiên, ông cho biết Canberra muốn "cam kết tích cực với Chính phủ Trung Quốc... sau khi phân tích kỹ lưỡng".
Mối quan hệ thương mại giữa Australia và Trung Quốc ngày càng xấu đi khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục đưa ra các quyết định áp thuế cao đối với hàng hóa Australia. Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Australia bị áp thuế quá cao hoặc bị đình chỉ nhập khẩu vào Trung Quốc, như lúa mạch, sợi bông, thịt bò, tôm hùm, rượu vang, gỗ và than đá. Mới đây nhất, ngày 26/3, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo áp đặt các mức thuế chống bán phá giá dao động từ 116,2% đến 218,4% đối với rượu vang Australia nhập khẩu, có hiệu lực trong 5 năm tới.
Các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết giá trị thương mại của Australia với Trung Quốc tại hầu hết các ngành đã giảm mạnh 40% kể từ khi căng thẳng thương mại gia tăng.
Mới đây, hồi tháng 5, Trung Quốc đã thông báo ngưng "vô thời hạn" đối thoại kinh tế với Australia, diễn biến mới nhất trong rạn nứt ngoại giao ngày càng lớn giữa hai quốc gia sau khi Australia cấm Tập đoàn công nghệ Huawei tham gia phát triển mạng 5G vào năm 2018. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, chiếm 29% thương mại Australia với toàn cầu trong năm 2019. Đầu tư của Trung Quốc tại Australia đã giảm 61% trong năm 2020, đạt mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.