Nhằm nắm bắt thời cơ kinh doanh, nhân dịp 8/3 vừa qua, tuyệt đại đa số siêu thị và trung tâm mua sắm ở Trung Quốc đều thực hiện chương trình khuyến mãi lớn, khiến Ngày Quốc tế Phụ nữ trở thành cao trào mua sắm lớn thứ ba tại nước này sau Tết Nguyên đán và Lễ Tình yêu 14/2. Trên thực tế, lực lượng “quần hồng” đã trở thành đội quân mua sắm và du lịch chủ lực ở Trung Quốc và sức tiêu thụ của họ không chỉ thể hiện trong dịp 8/3.
Phụ nữ đang trỗi dậy mạnh mẽ trên thị trường mua sắm. Ảnh: Internet |
Theo tờ Thương báo của Hồng Công (Trung Quốc), cùng với sự gia tăng về địa vị xã hội và năng lực độc lập tự chủ của phụ nữ, quyền lực kinh tế ở Trung Quốc đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ về giới tính với việc “các nàng” dần trở thành “sức mạnh nguyên tử” trên thị trường mua sắm nước này. Kết quả một cuộc điều tra mới đây do tạp chí Phụ nữ Trung Quốc tiến hành cho thấy 3/4 phụ nữ Trung Quốc đang nắm đại quyền tài chính trong gia đình. Trong một báo cáo về chuyên đề tiêu dùng của phụ nữ, Nielsen, một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, cũng cho biết phụ nữ Trung Quốc hiện đại là trụ cột thu nhập quan trọng và ngày càng có nhiều quyền lực trong các quyết định chi tiêu của gia đình.
Năng lực tiêu dùng không ngừng gia tăng của phụ nữ trước hết nhằm vào các mặt hàng truyền thống mà các nàng mê mẩn như mỹ phẩm, quần áo, giày dep, mũ nón… Đây cũng chính là nguyên nhân giúp tăng doanh thu và lợi nhuận của các hãng sản xuất các mặt hàng này. Báo cáo tài chính của Loreal Trung Quốc năm 2011 cho thấy tổng mức doanh thu bán hàng của hãng tại Trung Quốc năm 2011 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10 tỉ nhân dân tệ, đạt 10,7 tỉ nhân dân tệ, tăng 18% so với năm 2010. Đến nay, Loreal Trung Quốc đã lập được kỉ lục 11 năm liên tiếp tăng trưởng với tốc độ 2 con số.
Không chỉ bó hẹp trong những mặt hàng mang tính đặc thù giới tính, năng lực mua sắm của phụ nữ Trung Quốc còn trỗi dậy mạnh mẽ trên các thị trường mà giới mày râu nước này chiếm thế thượng phong như nhà đất, xe hơi, máy tính, dịch vụ ngân hàng… Tờ Thương báo dẫn các số liệu liên quan cho biết, trong số khách hàng mua xe hơi gia đình hiện nay ở Trung Quốc, nam giới chỉ chiếm 48,6%, số còn lại là thuộc về nữ giới. Một điều đáng chú ý nữa là ngay cả Habanos, hãng xì gà nổi tiếng của Cuba cũng không thể bỏ qua sự trỗi dậy của lực lượng “quần hồng”. Mới đây, Habanos đã tung ra sản phẩm xì gà mới dành riêng cho phụ nữ, điếu thuôn nhỏ, có nồng độ nhẹ hơn xì gà của nam giới.
Tất cả những gì nêu trên cho thấy tiềm năng của thị trường dành cho phái yếu không hề yếu. Tuy nhiên, sự gia tăng về năng lực tiêu dùng của phụ nữ cũng đặt các nhà sản xuất kinh doanh trước thách thức mới. Để thỏa mãn và hớp hồn “thượng đế liễu yếu đào tơ”, họ không thể sử dụng phương thức dành cho nam giới, bắt buộc phải tung ra những sản phẩm và dịch vụ tinh tế hơn, cá tính hơn và nhân tính hơn. Thậm chí, có những chi tiết rất vụn vặt, nhưng đối với các khách hàng nữ lại rất quan trọng. Ví dụ: Khi chọn khách sạn, nam giới chủ yếu lưu tâm xem có nằm trong dự toán ngân sách hay không, nhưng ngoài giá cả, nữ giới thường xem xét thêm một số yếu tố khác như trong khách sạn có cơ sở chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, có bể bơi và môi trường thân thiện hay không.
Điều đó có nghĩa để thu hút khách hàng là đàn ông, đôi khi nhà kinh doanh chỉ cần thương lượng về giá cả, nhưng nếu đó là một phụ nữ, họ cần đối xử như với một khách hàng trung thành. Nói một cách khác, để khách hàng nữ mở hầu bao, nhà kinh doanh cần chinh phục trái tim họ bằng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ đưa ra. Và muốn thành công trong việc mở cánh cửa tiêu dùng đầy tiềm năng của phụ nữ Trung Quốc, theo Thương báo, nhà kinh doanh quan tâm chặt chẽ tới nhu cầu trong từng lĩnh vực của phụ nữ Trung Quốc, bắt đúng mạch của họ. Nếu làm được như vậy, thành công sẽ tới bởi ảnh hưởng của xu thế tiêu dùng và tiềm năng tiêu dùng của phụ nữ Trung Quốc là rất lớn và vẫn không ngừng tăng.
Hà Ngọc