Tàu tuần dương USS Chancellorsville (CG 62) của Mỹ được điều động tới Biển Đông tham gia tuần tra. Ảnh: US Navy |
Trong một phát biểu được đăng tải trên website của tờ Nhân dân Nhật báo, nhà nghiên cứu Dương Hi Vũ thuộc Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc, đây là lần đầu tiên kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, giới chức cấp cao quân đội Trung Quốc đưa ra một chỉ thị sẵn sàng chiến đấu cụ thể như vậy trên hướng Biển Đông. Đó là do hướng Biển Đông chưa từng đối mặt với tình hình như hiện nay.
Tính từ đầu năm tới nay, hoạt động của tàu sân bay Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông được tăng cường rõ rệt. Tháng 1/2016, tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) rời Mỹ tới Biển Đông, hoạt động liên tục ở đây từ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 6.
Khi CVN-74 chuẩn bị đi Hawaii tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương, vào ngày 4/6, tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) rời căn cứ ở Nhật Bản, 14 hôm sau hợp luyện với CVN-74 ở vùng biển Philippines rồi lặng lẽ thực hiện tuần tra ở Biển Đông.
Trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, truyền thông Mỹ đưa tin 7 tàu chiến của Mỹ, gồm cả CVN-76 đang tập kết ở Biển Đông, trong đó có 3 tàu khu trục nhiều lần tiếp cận những đá, bãi mà Trung Quốc tôn tạo (phi pháp).
Ngày 18/7, website của lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương Mỹ cho biết tàu ngầm hạt nhân tấn công Buffalo lớp Los Angeles đã đến Singapore vào hôm 16/7 trong hoạt động triển khai ở vùng biển Indonesia-châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Dương Hi Vũ, trước tình hình như vậy, tướng lĩnh cấp cao Trung Quốc đã đi thị sát và ở thời khắc then chốt đã đưa ra chỉ thị “xông lên, đánh thắng”. Từ nay về sau, quân đội Trung Quốc cũng phải nỗ lực chưa từng có để làm tốt công tác chuẩn bị đấu tranh quân sự.