Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/1 cho biết quân đội Trung Quốc đã mô phỏng vụ phóng tên lửa đạn đạo từ công trình ngầm nhằm vào “kẻ địch giả định”. Tuy nhiên, chi tiết về địa điểm và thời gian tiến hành cuộc luyện tập phóng tên lửa vẫn giấu kín.
Hãng Sputnik (Nga) cho biết trong năm 2011, sinh viên tại Đại học Georgetown (Mỹ) đã phác họa hệ thống đường ngầm dài 4.800 km tại Trung Quốc nơi quân đội quốc gia này cất giữ đầu đạn tên lửa.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc trong tháng 3/2008 từng công khai thông tin về hệ thống đường ngầm. Các chuyên gia gọi đây là “Vạn Lý Trường Thành ngầm” đóng vai trò chiến lược trong chiến thuật hạt nhân của Trung Quốc.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho biết Trung Quốc có tích trữ tên lửa tầm xa và tên lửa chiến lược ở các cơ sở ngầm. Theo đó, cả 3 thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc là DF-5, DF-31 và DF-41 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 9.600km một cách chính xác.
Nhà nghiên cứu Hui Zhang tại Đại học Harvard (Mỹ) đánh giá việc tích trữ và luyện tập phóng tên lửa từ cơ sở ngầm dưới mặt đất đảm bảo Trung Quốc khả năng đáp trả tấn công.
Ông Hui Zhang đồng thời nhận định việc Trung Quốc thậm chí tiết lộ sự tồn tại của “Vạn Lý Trường Thành ngầm” là nhằm đánh tiếng đến các đối thủ rằng quân đội quốc gia này sở hữu khả năng phản công thực sự.