Ngày 8/1, đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin quân đội nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-26 đến khu vực cao nguyên xa xôi ở Tây Bắc.
Trong khi đó, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ngày 7/1 cho biết tàu khu trục USS McCampbell tham gia tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Trung Quốc sở hữu phiên bản DF-26 chống hạm đã được thử nghiệm từ năm 2017. Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Carl Schuster lại không mấy tin tưởng vào thông tin này. Ông Carl Schuster nhấn mạnh: “Nên nhớ rằng ngay cả Liên Xô và các quốc gia phương Tây cũng chưa bao giờ phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống hạm có uy lực như thế”.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết nhiều nhà phân tích gọi DF-26 là “sát thủ Guam” bởi có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 5.471km. Do vậy, DF-26 mang khả năng vươn tới đảo Guam nơi đặt căn cứ Không quân Andersen của quân đội Mỹ.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn giấu tên đánh giá việc triển khai DF-26 là lời nhắn nhủ của Trung Quốc với hàm ý quốc gia này có năng lực tự bảo vệ. Quân đội Trung Quốc đã phiên chế tên lửa DF-26 từ tháng 4/2018. Lần đầu DF-26 được công khai là tại buổi diễu binh ở Bắc Kinh trong năm 2015.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".