Dẫn 4 nguồn tin nắm rõ về việc đưa ra các lệnh cấm mới, hãng tin Reuters cho biết những thay đổi quy định nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng cho học sinh cũng như thúc đẩy tỷ lệ sinh của quốc gia bằng cách giảm chi phí sinh hoạt của các gia đình.
Các biện pháp hạn chế mới sẽ được công bố sớm nhất vào tuần sau và có hiệu lực bắt đầu từ tháng 7.
Việc áp dụng lệnh cấm thí điểm đối với hoạt động dạy thêm trực tuyến và trên lớp trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông sẽ được triển khai tại Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố lớn khác.
“Các quy định mới sẽ siết chặt hơn so với dự đoán ban đầu. Ngành dạy thêm tư nhân nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”, một nguồn tin tiết lộ.
Quy định cấm dạy thêm trong các kỳ nghỉ cũng như cuối tuần có thể khiến các công ty sụt giảm doanh thu hàng năm tới 70-80%.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cùng các cơ quan chức năng khác đã soạn thảo những thay đổi này nhằm tấn công thị trường dạy thêm phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, trên 75% học sinh hệ lớp 12 – từ 6 đến 18 tuổi - ở Trung Quốc tham gia các lớp học thêm sau giờ học trên lớp vào năm 2016.
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng trường học nên là nơi chịu trách nhiệm việc học của học sinh thay vì những công ty đầu tư vào các lớp dạy thêm. “Các ban ngành giáo dục đang thay đổi hiện tượng này”, Tân Hoa Xã trích lời nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Một trong những nguồn tin cho biết lệnh cấm dạy thêm cuối tuần và vào các kỳ nghỉ dài sẽ được thực hiện thí điểm tại 9 thành phố và tỉnh, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Giang Tô trong 12 tháng trước khi được áp dụng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, những hoạt động quảng cáo về các lớp dạy thêm "quá mức", đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông chính thống và nơi công cộng, sẽ bị cấm, đồng thời học phí cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Trong bối cảnh thu nhập tăng lên ở Trung Quốc, các gia đình khá giả đều mong muốn con cái thành công trong một xã hội ngày càng cạnh tranh.
Xã hội Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt đến mức đã tạo ra một thuật ngữ phổ biến trong giới nuôi dạy con cái. Jiwa, hay còn gọi là những "em bé gà công nghiệp", ám chỉ các bậc cha mẹ đua nhau cho con có thêm kỹ năng, kiến thức bằng qua những lớp học thêm. Tuy nhiên, điều này đã gây sức ép lên những đứa trẻ còn “tuổi ăn tuổi lớn”. Không chỉ vậy, hiện tượng này còn khiến nhiều cặp vợ chồng do gánh nặng tài chính càng thêm e ngại sinh con.
Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở thành thị Trung Quốc, với giáo dục chiếm một phần lớn trong số đó, đã làm nản lòng nhiều người sắp làm cha làm mẹ.
Theo kết quả điều tra dân số mới nhất của nước này công bố tháng trước, tỷ lệ tăng dân số Trung Quốc trong 10 năm đạt mức thấp kỷ lục. Con số này làm dấy lên lo ngại lực lượng lao động suy giảm của nước này sẽ không thể bù đắp những thách thức từ thực trạng dân số đang già đi.