Cơ sở y tế địa phương thông báo một số du khách sẽ được phép rời Tam Á gồm các nhóm khách ở những khu vực không có ca mắc COVID-19. Họ có thể rời khỏi thành phố này sau khi có kết quả 2 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ. Những du khách tại khu vực có ca mắc COVID-19 nhưng được đánh giá ở mức "nguy cơ thấp" sẽ được phép rời đi nếu họ không xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh trong 3 ngày qua và có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 72 giờ. Trái lại, những người mắc kẹt tại các khu vực được đánh giá có nguy cơ dịch bệnh ở mức trung bình hoặc cao sẽ phải chờ đợi cho đến khi tình hình được cải thiện.
Trước đó, trên 80.000 khách du lịch đã kẹt lại thành phố khi giới chức sở tại ban bố tình trạng y tế khẩn cấp do bùng phát dịch COVID-19, đồng thời hủy các chuyến bay cũng như hủy việc bán vé tàu hỏa vào cuối tuần qua.
Thành phố hơn 1 triệu dân này đang phải chống chọi với đợt dịch nghiêm trọng nhất trong vòng 2 năm nay. Chỉ từ ngày 1 - 9/8, đã có trên 1.500 ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại đây. Tất cả các địa điểm giải trí gồm quán karaoke, quán rượu, các thẩm mỹ viện trong thành phố đều đã phải đóng cửa từ tuần trước. Ngày 6/8, chính quyền địa phương yêu cầu các khách sạn giảm 50% giá thuê phòng cho các du khách mắc kẹt cho tới khi các biện pháp hạn chế di chuyển được dỡ bỏ.
* Trong diễn biến khác cùng ngày, tập đoàn sản xuất ô tô Toyota của Nhật Bản thông báo sẽ đình chỉ hoạt động của ca thứ hai trong ngày đối với một dây chuyền sản xuất tại nhà máy của hãng ở miền Trung Nhật Bản do một đợt bùng phát dịch COVID-19. Trước đó, tối 8/8, Toyota cũng đã đình chỉ nhiều hoạt động sản xuất khác.
Thông báo của Toyota nêu rõ cho đến nay, đã có tổng cộng 16 công nhân tại nhà máy Tsutsumi ở tỉnh Aichi mắc COVID-19. Điều này gây khó khăn cho hãng trong việc đảm bảo đủ nhân công để duy trì các dây chuyền sản xuất.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một người phát ngôn của Toyota cho biết mục tiêu sản xuất khoảng 660 xe có thể sẽ bị ảnh hưởng do quyết định đình chỉ hoạt động mới nhất.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy hoạt động sau khi các lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại Trung Quốc và tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu buộc hãng phải liên tục giảm sản lượng kể từ tháng 4 - 6/2022 với mức giảm khoảng 10% so với kế hoạch ban đầu.
Hồi tháng 7 năm nay, Toyota cũng đã đình chỉ ca làm đêm tại một nhà máy khác trong vòng 2 ngày với lý do tương tự.