Phát biểu tại họp báo ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thông báo: "Chúng tôi đã kêu gọi Mỹ lập tức sửa đổi thói quen sai lầm này và nghiêm túc tôn trọng các quyền chính đáng và lợi ích của tất cả các bên".
Ông Cảnh Sảng cho biết "sức ép tối đa" của Mỹ đối với Iran thông qua các biện pháp trừng phạt và "quyền tài phán nối dài" là "nguyên nhân sâu xa" gây căng thẳng trong vấn đề hạt nhân Iran.
Phản ứng trên được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ ngày 18/7 thông báo áp đặt trừng phạt các công ty ở Iran, Bỉ và Trung Quốc, cũng như một số nhân viên thuộc mạng lưới mà Washington cho là có liên quan tới việc cung ứng các nguyên vật liệu cho Công ty Công nghệ Ly tâm (TESA) của Iran, chuyên cung cấp máy ly tâm làm giàu cho Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI). Đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên của Mỹ kể từ khi Iran thông báo hồi đầu tháng về việc tăng mức làm giàu urani có thể được sử dụng làm nhiên liệu chế tạo bom hạt nhân.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã lên tiếng kêu gọi Mỹ tránh mọi động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với Iran, khẳng định bất kỳ động thái thiếu thận trọng nào có thể dẫn tới các cuộc xung đột với đầy "những hệ lụy khó lường". Theo ông, chính sách bóp nghẹt hoàn toàn nền kinh tế Tehran mà Washington theo đuổi đã làm trầm trọng tình hình vùng Vịnh và "sẽ là sai lầm" nếu đổ lỗi cho Iran về tình hình hiện nay. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh con đường này của Mỹ là "thiển cận và nguy hiểm".