Trong khi đó, giới chức nhiều địa phương ở miền Bắc và Đông của Trung Quốc đã kích hoạt các cơ chế ứng phó khẩn cấp, lo ngại mưa lớn có thể xảy ra kéo theo lũ lụt và lở đất trên diện rộng.
Trung Quốc đang phải trải qua một mùa hè thời tiết khắc nghiệt, với những trận mưa lớn khắp miền Đông và miền Nam trong khi phần lớn miền Bắc vừa trải qua các đợt nắng nóng liên tiếp. Sau nhiều ngày nhiệt độ thiêu đốt trên 35 độ C, ngày 24/7, chính quyền thủ đô Bắc Kinh, nơi sinh sống của khoảng 22 triệu người, đã kích hoạt cơ chế ứng phó, phòng chống lũ lụt mức II.
Trên tài khoản mạng xã hội Wechat của thành phố Bắc Kinh đăng thông tin cảnh báo lượng mưa lên tới 150 mm có thể gây ngập úng ở nhiều khu vực của thủ đô trong vòng 24 giờ từ tối 24/7 đến tối 25/7. Các trận mưa lớn có thể gây ra lũ quét trên núi, lở đất và các thảm họa thứ cấp khác. Chính quyền thành phố đã yêu cầu tạm thời đóng cửa một số điểm du lịch cũng như các nhà nghỉ ven núi và ven sông để đảm bảo an toàn. Người dân thủ đô Bắc Kinh cũng nhận được tin nhắn từ chính quyền lưu ý hạn chế hoạt động ngoài trời, tránh xa các khu vực đồi núi hoặc ven sông và chỉ dẫn về những nơi trú ẩn an toàn.
Tương tự, chính quyền tỉnh Hà Bắc lân cận thủ đô và là nơi sinh sống của trên 70 triệu người cũng cảnh báo lũ lụt. Trung tâm Cứu trợ Hạn hán và Kiểm soát Lũ lụt Nhà nước Trung Quốc cảnh báo có “nguy cơ cao” mưa lớn sẽ gây ra nhiều thiệt hại.
Bão Gaemi dự kiến sẽ đổ bộ và các tỉnh phía Đông gồm Chiết Giang và Phúc Kiến trong ngày 25/7. Chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã thông báo tạm dừng tất cả các dịch vụ tàu chở khách trong ngày này và một số dịch vụ trong ngày tiếp theo. Tỉnh cũng đã nâng mức ứng phó bão khẩn cấp từ Cấp III lên Cấp II và kích hoạt ứng phó khẩn cấp với mưa bão cấp IV vì bão Gaemi dự báo sẽ đổ bộ dọc theo bờ biển của tỉnh này trong ngày 25/7.
Tính đến chiều 24/7, sân bay quốc tế Trường Lạc Phúc Châu ở Phúc Kiến đã hủy 13 chuyến bay và hoãn khởi hành nhiều chuyến bay khác. Trước đó, tổng cộng 66 tuyến phà chở khách và 180 tàu phà chở khách dọc bờ biển Phúc Kiến cũng đã bị tạm dừng. Các dịch vụ phà chở khách tại các thành phố Ninh Đức, Phúc Châu, Bình Đàm và Tuyền Châu đều đã ngừng hoạt động và số tuyến phà ở Hạ Môn, Chương Châu và Phủ Điền cũng giảm dần.
Cơ quan An toàn Hàng hải tỉnh Phúc Kiến đã điều động 4 trực thăng cứu hộ và 3 tàu cứu hộ túc trực dọc bờ biển của tỉnh, đồng thời huy động 49 tàu tuần tra và 104 tàu kéo sẵn sàng ứng phó khẩn cấp. Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc Nanchang cũng đã chuẩn bị hơn 500 máy sửa chữa khẩn cấp cỡ lớn và điều động 4.000 người túc trực sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Dự báo, bão Gaemi sẽ đổ bộ dọc theo bờ biển vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) trong tối 24/7. Theo cơ quan khí tượng Phúc Kiến, sau khi đi qua đảo Đài Loan, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ chiều thứ 25/7 đến nửa đêm dọc theo bờ biển giữa các huyện Phúc Định và Tấn Giang của Phúc Kiến. Truyền thông địa phương dẫn lời các quan chức cho biết các khu vực ven biển có thể chứng kiến những con sóng cao từ 4 - 6 m.
Lo ngại ảnh hưởng của bão, chính quyền Đài Loan cũng đã yêu cầu đóng cửa các văn phòng, trường học và địa điểm du lịch trên khắp hòn đảo trong ngày 24/7. Mưa lớn đã xuất hiện tại phần lớn các khu vực trên đảo Đài Loan. Các tàu đánh cá được gọi về tránh trú tại cảng khi biển động, trong khi nhiều chuyến bay bị hủy. Tại thủ phủ Đài Bắc, mưa lớn trút xuống nhưng chưa có gió.
Trước đó, tại Philippines, bão Gaemi, được gọi là Carina, dù không trực tiếp đổ bộ vào nước này nhưng làm tăng lượng mưa. Cơ quan Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Philippines cho biết mưa lớn đã gây ra hàng chục vụ lở đất và lũ lụt trong 5 ngày, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và 600.000 người phải sơ tán lánh nạn, trong đó có 35.000 người phải đến nơi trú ẩn khẩn cấp.