Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh: Zee News/TTXVN |
Cuộc đàm phán liên Triều vừa qua là cuộc gặp cấp cao đầu tiên sau hơn 2 năm, trong đó, hai bên đã nhất trí hợp tác tại Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc từ ngày 9-25/2 tới, đồng thời tiến hành các cuộc đối thoại quân sự nhằm làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: "Điều đáng khích lệ là hai bên đã thể hiện thiện chí với nhau và bắt tay nhau vào thời điểm tình hình trên Bán đảo Triều Tiên căng thẳng cực độ". Ông Lục Khảng kêu gọi hai bên coi Olympic PyeongChang 2018 như một cơ hội để cải thiện quan hệ và thúc đẩy hợp tác, cùng nỗ lực giảm căng thẳng và thúc đẩy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên trở lại đúng đường là giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn. Người phát ngôn trên cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thấu hiểu và ủng hộ hoàn toàn cho các nỗ lực của hai miền Triều Tiên.
Cùng ngày 10/1, Nga bày tỏ hoan nghênh các thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán liên Triều cấp cao đầu tiên trong hơn 2 năm qua. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết: "Moskva hy vọng việc thực thi các thỏa thuận trên sẽ giúp giảm leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy ổn định trong khu vực". Trước đó, hai miền Triều Tiên đã tiến hành cuộc đàm phán liên chính phủ cấp cao tại làng đình chiến Panmunjom ở khu phi quân sự. Hai bên đã nhất trí hợp tác tại Thế vận hội (Olympic) mùa Đông Pyeongchang 2018, sẽ diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 9-25/2 tới, đồng thời tiến hành các cuộc đối thoại quân sự nhằm làm dịu căng thẳng. Kết quả này cũng đã nhận được sự hoan nghênh của Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Sau cuộc đàm phán, Hàn Quốc đã bắt đầu các bước chuẩn bị cho cuộc đàm phán quân sự đầu tiên với Triều Tiên sau hơn 3 năm, trong khi Tổng thống nước này Moon Jae-in để ngỏ khả năng tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên.
Cuộc đàm phán cấp cao nói trên đã được hai bên nhất trí sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp Năm Mới bày tỏ sẵn sàng cử một phái đoàn tham dự Olympic PyeongChang và cho biết Triều Tiên để ngỏ đối thoại. Đường dây nóng giữa hai miền đã được mở lại cuối tuần trước. Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in hy vọng việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội tới sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, và một mối quan hệ liên Triều tốt đẹp hơn sẽ tạo điều kiện giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng như thúc đẩy các cuộc đối thoại Mỹ - Triều Tiên.
Trước đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), và Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) cũng đã hoan nghênh cuộc đàm phán liên Triều. Washington nhấn mạnh sẽ hợp tác với Seoul để đảm bảo sự tham dự của Triều Tiên không vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán ngày 9/1 cũng như những cuộc tiếp xúc sắp tới sẽ mở ra con đường đối thoại rộng mở hơn về các vấn về giải giáp vũ khí hạt nhân. Về phần mình, TTK LHQ Antonio Guterres cho biết thêm việc tái thiết lập và củng cố những kênh như vậy có ý nghĩa then chốt trong nỗ lực giảm bớt nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm đồng thời làm dịu căng thẳng tại khu vực.
Trong phản ứng của mình, nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 10/1 bày tỏ sự hoan nghênh thận trọng trước kết quả cuộc đối thoại cấp cao với miền Nam, trong khi cảnh báo Seoul về tham vọng của Mỹ nhằm chia cắt lâu dài Bán đảo Triều Tiên. Báo trên cho rằng mấu chốt trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều là việc giương cao lá cờ “chỉ duy nhất quốc gia của chúng ta”, đồng thời phản đối bất kỳ sự can thiệp nào từ các thế lực bên ngoài. Báo này nhấn mạnh: “Độc lập và sự tự chủ quốc gia là điểm mấu chốt cho mục tiêu tái thống nhất hai miền”. Rodong Sinmun cũng kêu gọi chính quyền Hàn Quốc “loại bỏ mọi ảo tưởng về các thế lực bên ngoài” và nhận thức đầy đủ về tham vọng thống trị Đông Bắc Á của Mỹ. Trước đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đăng tải thông tin về đối thoại cấp cao liên Triều, đánh giá đây là cuộc đối thoại “nghiêm túc”.