Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: AP/AFP |
Theo Tân Hoa xã , trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều có lợi ích chung trong việc hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như duy trì nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Ông kêu gọi các bên liên quan cần kiềm chế, tránh những phát ngôn và hành động làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề hạt nhân cần được thực hiện thông qua đối thoại, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm thúc đẩy một giải pháp phù hợp.
Về phần mình, Tổng thống Trump đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông hoàn toàn hiểu vai trò của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, tuyên bố từ phía Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đều nhất trí Triều Tiên cần chấm dứt các hành động làm leo thang căng thẳng. Hai bên cũng đánh giá việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên là một "bước đi quan trọng và cần thiết hướng tới việc đạt được nền hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên". Tổng thống Trump cũng tái khẳng định cam kết của hai nước đối với tiến trình phi hạt nhân hóa, nhấn mạnh mối quan hệ "cực kỳ mật thiết" giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc hy vọng sẽ mang lại một giải pháp hòa bình trong vấn đề Triều Tiên.
Cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump tiếp tục có những phát ngôn cứng rắn đối với Triều Tiên khi cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong-Un sẽ "sớm phải hối tiếc" nếu có bất kỳ động thái nào nhằm vào đảo Guam hay bất cứ nơi đâu thuộc lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố "các giải pháp quân sự hiện đã sẵn sàng nếu Triều Tiên hành động không khôn ngoan". Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định ông vẫn hy vọng về "một giải pháp hòa bình" để giải quyết căng thẳng hiện nay giữa hai nước.
Trước đó, Tổng thống Trump đã liên tiếp kêu gọi Trung Quốc cần gây sức ép buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, nói rằng một mình Bắc Kinh cũng không thể ép buộc được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
*Liên quan đến kế hoạch của Triều Tiên tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào đảo Guam, cùng ngày, Tổng thống Trump tiếp tục trấn an giới chức đảo Guam khi khẳng định Washington luôn sát cánh và sẵn sàng bảo vệ vùng lãnh thổ Thái Bình Dương thuộc Mỹ này.
Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm với Thống đốc đảo Guam Eddie Calvo, Tổng thống Trump cam kết rằng "các lượng lượng Mỹ sẵn sàng đảm bảo sự ổn định và an ninh của người dân ở Guam, cũng như những vùng lãnh thổ còn lại của Mỹ". Về phần mình, Thống đốc Calvo cũng bày tỏ tin tưởng vào những cam kết của nhà lãnh đạo Mỹ.
Trước đó, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin quân đội nước này đã đệ trình nhà lãnh đạo Kim Jong Un kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào khu vực cách Guam khoảng 30 đến 40 km "để phát đi cảnh báo nghiêm trọng đối với Mỹ". Đảo Guam có khoảng 163.000 người dân và 1 căn cứ quân sự của Mỹ gồm 1 đội tàu ngầm, 1 căn cứ không quân và nhóm phòng vệ bờ biển đồn trú. Hiện giới chức đảo Guam cùng với quân đội và các quan chức Chính phủ Mỹ đang theo dõi sát các động thái của Triều Tiên.