Trung Quốc, Nhật Bản canh cánh nỗi lo Mỹ vỡ nợ

Khi Mỹ ngày càng tiến gần đến nguy cơ vỡ nợ chưa từng có, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản đều lo lắng theo dõi.

Nguy cơ đang đến gần

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trái) trong cuộc đàm phán về trần nợ công với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc hội Mỹ lần đầu đưa ra khái niệm trần nợ công vào năm 1917. Đây là mức tiền tối đa mà một chính phủ có thể vay mượn. Đạo luật nợ công của Mỹ được thông qua vào năm 1941. Trong 7 thập niên qua, trần nợ công tại Mỹ được nâng tới 78 lần. Mức trần nợ công hiện tại vào tháng 1 là 31,4 nghìn tỷ USD.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 7/5 cho biết đến đầu tháng 6, Chính phủ Mỹ có thể không còn tiền để trang trải các hóa đơn. Thời hạn để Quốc hội Mỹ ra quyết định nâng trần nợ công đang đến gần, nếu không thống nhất được điều này, chính phủ Mỹ có thể rơi vào tình trạn cạn tiền và vỡ nợ.

Ông Marcus Noland tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) nhận định: “Việc Mỹ vỡ nợ đồng nghĩa với giảm giá trái phiếu kho bạc, tăng lãi suất, giảm giá trị đồng USD và gây biến động. Nó cũng có thể đi kèm với sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, gia tăng căng thẳng đối với lĩnh vực ngân hàng và bất động sản”.

Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda đã bày tỏ lo ngại vào hôm 19/5, cảnh báo rằng việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn ở nhiều thị trường khác và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu.

Bắc Kinh cho đến nay tương đối im lặng về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/5 đề cập rằng họ hy vọng Mỹ sẽ “áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ có trách nhiệm” cũng như “kiềm chế không lan truyền rủi ro” sang thế giới.

Hãng thông tấn Xinhua đã đăng bài bình luận vào đầu tháng 5 nhấn mạnh “mối quan hệ cộng sinh” giữa các quốc gia trong thị trường trái phiếu Mỹ. Xinhua đánh giá Trung Quốc sẽ đối mặt với “tổn thất tài chính thực sự” nếu Mỹ không trả được nợ.

Nhật Bản, Trung Quốc lo lắng

Chú thích ảnh
Màn hình điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei (dưới) tại Tokyo, Nhật Bản ngày 19/5. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trung Quốc và Nhật Bản là những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong nợ của chính phủ Mỹ. Hai nước này cùng nhau nắm 2.000 tỷ USD trong 7.600 tỷ USD chứng khoán kho bạc Mỹ do nước ngoài nắm giữ.

Trung Quốc bắt đầu tăng cường mua trái phiếu kho bạc Mỹ vào năm 2000. Thời điểm đó, Washington ủng hộ Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tạo ra bùng nổ xuất khẩu. Điều đó đã tạo ra một lượng lớn USD cho Trung Quốc và nước này cần một nơi an toàn để cất giữ chúng. Trong khi đó, trái phiếu kho bạc Mỹ được nhiều người coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất thế giới. Do vậy, lượng nợ chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã tăng vọt từ 101 tỷ USD lên mức cao nhất là 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2013.

Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ trong hơn một thập niên. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2019 đã khiến Bắc Kinh giảm tỷ lệ và Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc để trở thành chủ nợ hàng đầu của Mỹ trong năm đó.

Tokyo hiện nắm giữ 1,1 nghìn tỷ USD, còn Trung Quốc là 870 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc cả hai nước đều dễ bị tổn thương trước sự sụp đổ tiềm tàng về giá trị của trái phiếu kho bạc Mỹ.

Hai nhà phân tích Josh Lipsky và Phillip Meng tại Trung tâm Địa kinh tế thuộc Hội đồng Atlantic (Mỹ) đánh giá Trung Quốc và Nhật Bản có thể bị tổn thương nếu giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh.

Giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ giảm kéo theo dự trữ ngoại hối của Nhật Bản và Trung Quốc giảm. Điều đó có nghĩa là họ sẽ có ít tiền hơn để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, thanh toán các khoản nợ nước ngoài của chính họ hoặc hỗ trợ đồng tiền quốc gia.

Trung Quốc và Nhật Bản đang phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới để hỗ trợ các công ty và việc làm trong nước. Lĩnh vực xuất khẩu đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, khi các trụ cột khác của nền kinh tế nước này - chẳng hạn như bất động sản - đã chững lại. Xuất khẩu tạo ra 1/5 GDP của Trung Quốc và cung cấp việc làm cho khoảng 180 triệu người.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và lớn thứ hai đối với Nhật Bản. Năm 2022, thương mại Mỹ - Trung đạt mức cao kỷ lục 691 tỷ USD. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ tăng 10% trong năm 2022.

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm đồng USD tại một ngân hàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

“Rủi ro thực sự” đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu và khả năng suy thoái kinh tế Mỹ có thể xảy ra do vỡ nợ. Hai nhà phân tích Lipsky và Meng cho biết khả năng suy thoái kinh tế Mỹ do vỡ nợ "đặt ra rủi ro đặc biệt đối với sự phục hồi kinh tế mong manh của Trung Quốc”.

Thống kê chính thức công bố ngày 16/5 cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 4 và tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đều thấp hơn dự báo. Số liệu này phản ánh động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã yếu đi vào đầu quý II/2023. Một mối quan tâm lớn khác là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng vọt, đạt mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4.

Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản chỉ mới có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát, vốn đã ám ảnh nước này trong nhiều thập niên. Kênh CNN (Mỹ) hôm 24/5 đưa tin các chỉ số chứng khoán chính của Nhật Bản đang giao dịch ở mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1990. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 4 đã đã mua 15,6 tỷ USD cổ phiếu Nhật Bản, mức cao nhất hàng tháng kể từ tháng 10/2017.

Quan sát và chờ đợi

Chú thích ảnh
 Cảng hàng hóa Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

CNN cho rằng Tokyo hay Bắc Kinh không thể làm gì nhiều ngoài việc chờ đợi và hy vọng vào điều tốt nhất.

Giảng viên Trường Kinh doanh NUS (Singapore) Alex Capri phân tích nếu Trung Quốc và Nhật Bản vội vàng bán nợ của Mỹ, giá của đồng yên hoặc nhân dân tệ sẽ tăng so với USD, kéo theo chi phí xuất khẩu của hai nước này tăng vọt.

Về dài hạn, một số nhà phân tích cho rằng kịch bản Mỹ vỡ nợ có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng tốc nỗ lực tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu ít phụ thuộc vào đồng USD hơn. Chính phủ Trung Quốc đã đạt được một loạt thỏa thuận với Nga, Saudi Arabia, Brazil và Pháp để tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với một số trở ngại như các biện pháp kiểm soát mà nước này áp dụng đối với lượng tiền có thể chảy vào và ra khỏi nền kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh tỏ ra ít sẵn sàng hội nhập hoàn toàn với thị trường tài chính toàn cầu.

Dữ liệu gần đây từ Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) cho thấy tỷ lệ của nhân dân tệ trong tài trợ thương mại toàn cầu tháng 3 là 4,5% trong khi đồng USD là 83,7%. Tài trợ thương mại đại diện cho các công cụ và sản phẩm tài chính được doanh nghiệp sử dụng để tạo thuận lợi cho thương mại và thương mại quốc tế. Tài trợ thương mại giúp các nhà nhập khẩu và xuất khẩu giao dịch kinh doanh thông qua thương mại dễ dàng hơn.

Ngay cả khi chính phủ Mỹ cạn kiệt tiền để thanh toán tất cả các hóa đơn - kịch bản mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nói có thể xảy ra sớm nhất là vào ngày 1/6 - thì khả năng Mỹ vỡ nợ vẫn thấp.

Ngày 24/5, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định vẫn nhìn thấy cơ hội đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công với đảng Cộng hòa nhằm tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, trong bối cảnh các bên tiếp tục đàm phán tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết hai bên đã có cuộc thảo luận "hiệu quả" tại Nhà Trắng ngày 22/5 về vấn đề trần nợ công, nhưng chưa đạt được thỏa thuận. Hiện chưa rõ liệu hai bên có đạt được thỏa thuận trước ngày 1/6 hay không. Tổng thống Biden đã đề cập khả năng sử dụng một điều khoản hiến pháp trong Tu chính án thứ 14 cho phép tổng thống tự nâng mức trần nợ công.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNN)
Fitch cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do rủi ro vỡ nợ
Fitch cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do rủi ro vỡ nợ

Ngày 24/5, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ trong bối cảnh chính phủ nước này vẫn đang bế tắc trong giải quyết vấn đề trần nợ công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN