Hiện tại, các nhà thuốc và phòng dược bệnh viện trên khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc đang thông báo hết thuốc hạ sốt, trong đó ibuprofen và paracetamol là những loại phổ biến nhất.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng lên khi quốc gia này bắt đầu nới lỏng các chính sách kiểm soát đại dịch bệnh, người dân Trung Quốc đã bắt đầu tự ý mua và tích trữ thuốc men để tự điều trị.
Tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã khuyến cáo về tình trạng nhiều người tự ý uống kết hợp thuốc hoặc sử dụng quá nhiều loại thuốc để trị sốt, đặc biệt là thuốc ibuprofen. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), uống thuốc quá liều có thể dẫn đến suy gan.
Các phương tiện truyền thông nhà nước cũng bác bỏ thông tin cho rằng ăn quả đào vàng đóng hộp có thể giúp hồi phục sức khỏe và ăn cam có thể làm cho kết quả xét nghiệm kháng nguyên biến thành dương tính.
“Hãy ngăn chặn đại dịch bằng khoa học, đừng để bị lừa bởi những tin đồn này,”, tờ Nhân dân Nhật báo khẳng định trong bài đăng trên mạng xã hội Weibo ngày 12/12.
Trước đó, ngày 7/12, Trung Quốc đã thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Theo quy định mới, những người mắc COVID-19 thể nhẹ và không có biểu hiện triệu chứng có thể thực hiện cách ly tại nhà, chấm dứt yêu cầu tất cả các ca nhiễm phải cách ly tại các cơ sở tập trung do Chính phủ Trung Quốc chỉ định.
Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết nước này cũng sẽ giảm tần suất và phạm vi xét nghiệm PCR. Trong khi đó, xét nghiệm hàng loạt bắt buộc cũng sẽ giới hạn ở các khu vực và trường học "có nguy cơ lây nhiễm cao".
Ngoài ra, những người đi lại liên tỉnh ở Trung Quốc cũng sẽ không còn cần phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và không cần phải xét nghiệm tại điểm đến.