Theo tờ Newsweek, Cơ quan an toàn hạt nhân của Trung Quốc khẳng định không có hiện tượng bất thường nào được phát hiện ở tỉnh biên giới của nước này, vốn chỉ cách một thành phố của Nga hơn 30km, nơi vừa xảy ra sự cố khiến mức phóng xạ tăng gấp 1.600 lần so với mức cho phép vào tuần trước.
Sự tăng đột biến của bức xạ đã khiến các quan chức địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở Khabarovsk, thành phố lớn nhất vùng Viễn Đông Nga, với dân số khoảng 630.000 người.
Tuy nhiên, theo thông báo trên WeChat của lãnh sự quán Trung Quốc tại Khabarovsk, thị trưởng thành phố này đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong ngày 9/4 (theo giờ địa phương) và nguồn ô nhiễm phóng xạ đã được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.
Tin tức về ô nhiễm phóng xạ ở Khabarovsk đã làm dậy sóng trên mạng, khiến một số cư dân mạng so sánh nó với thảm họa xảy ra năm 1986 khi lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine phát nổ, giải phóng một lượng lớn chất phóng xạ ra môi trường.
Bộ Ngoại giao Nga hiện chưa trả lời đề nghị bình luận về vụ việc từ Newsweek.
Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (NNSA) ngày 10/4 cho biết trên mạng xã hội WeChat rằng cơ quan môi trường ở tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc đã rất chú ý đến tình hình.
Trong khi đó, Trạm Giám sát tự động môi trường bức xạ khí quyển tỉnh Hắc Long Giang đã đo bức xạ gamma cục bộ và thu thập các mẫu khí dung suốt 24 giờ/ngày trong vài ngày qua. Cơ quan này cho biết, quá trình giám sát cho thấy mức bức xạ nằm trong các thông số bình thường và không phát hiện thấy bất thường nào.
Trước đó, theo tờ Moscow Times, một người dân địa phương đã báo cáo tình hình nguy hiểm tiềm tàng sau khi nhận thấy mức độ phóng xạ tăng cao gần một kho kim loại. Các quan chức sau đó đã phong tỏa khu vực rộng khoảng 3.000 m2.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, nguồn phóng xạ là một viên nang từ một máy dò bị lỗi và nó đã được một công ty xử lý chất thải hạt nhân xử lý.
Lãnh sự quán Trung Quốc cũng dẫn lại nguồn tin của TASS cho hay, cơ quan cứu trợ thiên tai ở Khabarovsk đã phát hiện mức độ phóng xạ từ 0,09 đến 0,13 microsievert mỗi giờ – trong giới hạn bình thường.
Microsievert (µSv) là đơn vị dùng để đo liều hấp thụ của bức xạ ion hóa trong mô người hoặc bức xạ có đủ năng lượng để loại bỏ các electron liên kết chặt chẽ khỏi nguyên tử, có khả năng gây tổn hại cho tế bào và DNA.
Ảnh hưởng của việc phơi nhiễm phụ thuộc vào các yếu tố như loại bức xạ, liều lượng nhận được và thời gian phơi nhiễm.
Tờ Novaya Gazeta có trụ sở tại Latvia cho biết, các tình nguyện viên thuộc nhóm kiểm soát bức xạ đã phát hiện mức phóng xạ cao nhất là 800 microsievert mỗi giờ ở khu vực sự cố tại Khabarovsk. Mức 0,5 microsievert/giờ được coi là an toàn cho con người, nghĩa là lượng bức xạ được phát hiện cao hơn 1.600 lần.