Theo đài RT (Nga), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao.
Trong tuyên bố ngày 22/6, bà Mao Ning bày tỏ Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên, bao gồm cả các nước châu Phi, nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Bà nhấn mạnh đàm phán và đối thoại là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.
Tuy nhiên, Giáo sư Victor Gao tại Đại học Soochow (Trung Quốc), cho rằng chừng nào Mỹ còn can dự vào xung đột, nỗ lực đạt được hòa bình ở Ukraine sẽ “vô cùng khó khăn”.
Vào cuối tuần trước, phái đoàn 7 nước châu Phi do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa dẫn đầu đã đến Ukraine và Nga trong nỗ lực chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.
Các nhà lãnh đạo đã đề xuất kế hoạch 10 điểm bao gồm: lắng nghe quan điểm của các quốc gia; bắt đầu đàm phán ngoại giao càng sớm càng tốt; bắt đầu giảm leo thang xung đột từ cả 2 phía; bảo đảm chủ quyền quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên hợp quốc; đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia; đảm bảo việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của cả 2 nước; hỗ trợ nhân đạo cho những người đã trở thành nạn nhân của chiến tranh; giải quyết vấn đề trao đổi tù binh chiến tranh và trao trả trẻ em; tái thiết sau chiến tranh và hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh; hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Phi.
Đây là lần đầu tiên châu Phi tham gia vào các nỗ lực hoà giải giữa Nga và Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2/2022. Sứ mệnh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với châu lục vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón từ Nga và Ukraine.
Theo Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, cuộc xung đột đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước châu Phi khi khiến giá ngũ cốc và phân bón tăng vọt.
“Đây thực sự là một sứ mệnh lịch sử trong việc tìm kiếm hòa bình. Chúng tôi tin rằng đây là một tiến trình rất phức tạp, đòi hỏi tất cả các quan điểm phải được đưa lên bàn thảo luận. Chúng tôi ở đây để lắng nghe các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine. Và chúng tôi thực hiện các nỗ lực với sự tôn trọng sâu sắc. Dù ở cách xa hàng nghìn km là các quốc gia châu Phi, song châu Phi cũng có thể cảm nhận được tác động của cuộc chiến này”, ông Ramaphosa nói.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moskva sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với tất cả những ai mong muốn hòa bình trên nguyên tắc công lý, có tính đến lợi ích hợp pháp của các bên và sẽ xem xét bất kỳ đề xuất nào từ các nước châu Phi về giải quyết vấn đề ở Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moskva chia sẻ “các cách tiếp cận chính” do phái đoàn châu Phi đề xuất. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov - cho rằng kế hoạch này “khó thực hiện”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi, khẳng định không thể đàm phán với Nga. Theo ông Zelensky, để có hòa bình, Nga cần rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine. Ông Zelensky cũng nói rằng Ukraine đang giúp đỡ rất nhiều cho các quốc gia châu Phi về an ninh lương thực và thiết lập các trung tâm ngũ cốc trên lục địa này.