Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ gạo lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tuần san Tân Thế kỷ số mới nhất và một số tờ báo khác của Trung Quốc ngày 15/2 như Kim Lăng vãn báo đã dẫn nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp thuộc Đại học Nông nghiệp Nam Kinh cho biết có khoảng 10% trong số gạo bán trên thị trường nước này chứa hàm lượng kim loại Cadmium (Cd) vượt tiêu chuẩn.
Đây là một kim loại nặng nguy hiểm, nếu cơ thể hấp thụ Cd quá nhiều sẽ gây nguy hại cho xương cốt và nội tạng.
Kết quả thống nhất của hai đợt nghiên cứu
Theo Giáo sư Phan Căn Hưng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường Nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, ngay từ mấy năm trước cơ quan ông đã bắt đầu nghiên cứu một cách có hệ thống vấn đề gạo nhiễm Cd.
Gạo nhiễm cd sẽ gây nguy hại cho xương cốt và nội tạng Ảnh internet |
Tất cả bắt nguồn từ việc các chuyên gia phát hiện tình trạng kim loại nặng vượt tiêu chuẩn trong đất canh tác lúa nước mà thổ nhưỡng lại quan hệ tới phẩm chất của gạo. Bên cạnh đó, những gen đặc biệt của cây lúa nước cũng ảnh hưởng đến khả năng hạt lúa hấp thụ những loại vật chất đặc biệt có trong đất canh tác và cây lúa nước lại tỏ ra hấp thụ Cd mạnh hơn các loại cây trồng khác như ngô, đậu tương…
Giáo sư Phan Căn Hưng cho biết, vào năm 2007, nhóm nghiên cứu của ông đã mua ngẫu nhiên hơn 170 mẫu gạo tại các chợ cấp huyện trở lên ở 6 khu vực gồm Hoa Đông, Đông Bắc, Hoa Trung, Tây Nam, Hoa Nam và Hoa Bắc để tiến hành điều tra khoa học.
Kết quả phát hiện, trong hơn 170 mẫu phẩm, có tới 10% chứa hàm lượng Cd vượt tiêu chuẩn. Kết quả nghiên cứu này cơ bản trùng khớp với kết luận của Trung tâm Giám sát Kiểm tra Trắc nghiệm Chất lượng Gạo và Chế phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra năm 2002 rằng có 10,3% lượng gạo trong số mẫu gạo kiểm tra độ an toàn chứa hàm lượng Cd vượt tiêu chuẩn.
Hồi ức của Giáo sư Phan Căn Hưng về cuộc điều tra 4 năm trước vẫn rất sâu sắc. Ông nói kết quả phân tích các cứ liệu thu thập được cho thấy, tuy rằng gạo bán trên thị trường đều có hiện tượng chứa hàm lượng Cd vượt tiêu chuẩn, nhưng tình hình chứa hàm lượng Cd vượt tiêu chuẩn của gạo bán ở thị trường miền Nam nghiêm trọng hơn miền Bắc.
Vấn đề gạo ở một số huyện thuộc Giang Tây, Hồ Nam chứa hàm lượng Cd vượt tiêu chuẩn là tương đối nổi cộm. Thị trường Nam Kinh cũng có gạo chứa hàm lượng Cd vượt tiêu chuẩn, nhưng vấn đề không nghiêm trọng và loại gạo này không phải do Nam Kinh hay khu vực xung quanh Nam Kinh sản xuất mà được đưa từ bên ngoài vào Nam Kinh tiêu thụ.
Khả năng hấp thụ Cd của lúa siêu sản cao hơn lúa thường
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Phan Căn Hưng cũng tiến hành một loạt thực nghiệm tại trường học và phát hiện rủi ro nhiễm Cd vượt tiêu chuẩn của các loại lúa tạp giao và lúa siêu sản nghiêm trọng hơn so với các loại lúa bình thường.
Giải thích điều này, các chuyên gia cho biết là do bộ rễ của lúa siêu sản phát triển và có ưu thế về gen, nên bên cạnh khả năng hấp thụ các loại chất dinh dưỡng có trong đất mạnh hơn lúa thường, lúa siêu sản cũng có xu hướng hấp thụ Cd trong đất canh tác nhiều hơn lúa thường.
Trong tình hình hiện nay, người ta vẫn chưa tìm ra được biện pháp nào để khắc phục vấn đề này một cách hữu hiệu. Đồng thời, do lúa siêu sản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sản lượng, là lựa chọn tất yếu của việc trồng lúa, vì thế các chuyên gia khuyến nghị bên cạnh việc kiểm soát các con đường thâm nhập vào đất canh tác của Cd, việc bố trí trồng lúa siêu sản ở những khu vực canh tác an toàn là rất cần thiết.
Không nên quá lo ngại về việc gạo nhiễm Cd vượt tiêu chuẩn
Cd là một kim loại nặng hiện diện chủ yếu trong đất, ít khi dưới dạng tinh chất, nhưng thường phối hợp với những thành phần khác, để cho ra nhiều dạng khác nhau như: Cadmium Oxide, Cadmium Chloride, Cadmium Sulfate và Cadmium Sulfide.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cùng với chì và thủy ngân, Cd là một trong ba kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người. Nhiễm Cd vượt tiêu chuẩn sẽ gây nguy hại cho xương cốt và nội tạng của con người, gây ra bệnh đau xương và khiến thận tạng không thể làm việc bình thường. Nếu cơ thể bị đưa vào quá nhiều Cd, khả năng hấp thụ các nguyên tố vi lượng cần thiết như kẽm sẽ bị giảm xuống.
10% lượng gạo trên thị trường nhiễm Cd vượt tiêu chuẩn đồng nghĩa với việc con người sẽ phải đối mặt với rủi ro rất lớn về khả năng mắc các bệnh về xương cốt do một ngày ăn ba bữa cơm? Giải thích về điều này, Giáo sư Phan Căn Hưng cho biết dù 10% lượng gạo trên thị trường nhiễm Cd vượt tiêu chuẩn, nhưng đó vẫn là tỉ lệ thấp.
Về tổng thể, gạo bán trên thị trường Trung Quốc vẫn an toàn và sử dụng gạo nhiễm Cd vượt tiêu chuẩn trong thời gian ngắn sẽ không gây rủi ro đối với sức khỏe con người. Đối với người dân thường, không có khả năng phân biệt đâu là gạo nhiễm và gạo không nhiễm Cd vượt tiêu chuẩn, có thể giảm rủi ro mắc bệnh vì nhiễm Cd vượt tiêu chuẩn bằng cách thay đổi liên tục các loại gạo mua về sử dụng cả về nhãn hàng lẫn xuất xứ và tăng cường ăn một số loại thực phẩm chứa hàm lượng kẽm cao như hải sản, chế phẩm đậu…
Sơ đồ phân bố chưa đầy đủ về gạo nhiễm độc tố tại Trung Quốc
1. Khu vực Đức Dương thuộc tỉnh Tứ Xuyên: Nghiên cứu năm 2008 của Đại học Địa chất Trung Quốc cho thấy hàm lượng Cd trong gạo và tiểu mạch mà cư dân Miên Trúc, Thập phương sử dụng cao hơn tiêu chuẩn từ 2-10 lần.
2. Đặc khu Đồng Nhân, Vạn Sơn ở Quý Châu: Nghiên cứu năm 2010 của Trung tâm Hóa học Địa cầu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy trung bình một ngày người trưởng thành ở đây đưa vào cơ thể 49 microgram thủy ngân do ăn cơm, nấu bằng gạo sản xuất từ lúa nước.
3. Thị trấn Dương Sóc, Hưng Bình thuộc tỉnh Quảng Tây: Nhiều cư dân ở đây nghi là mắc bệnh đau xương giai đoạn đầu.
4. Khu vực mỏ Đại Bảo Sơn ở tỉnh Quảng Đông: Nghiên cứu năm 2010 của Đại học Trung Sơn cho thấy tỉ lệ chứa Cd và chì vượt tiêu chuẩn của 21 loại lúa nước ở đây lần lượt là 100% và 71%.
5. Khu vực mỏ chì kẽm Phượng Hoàng ở Tương Tây thuộc tỉnh Hồ Nam: Kết quả nghiên cứu năm 2008 của Trung tâm Địa lý thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy tình hình nhiễm chì và thạch tín của gạo ở đây là nghiêm trọng.
6. Khu khai phát Lý Thạch ở Liêu Ninh: Nghiên cứu năm 2008 của Đại học Công nghiệp Hóa dầu Liêu Ninh cho thấy lúa nước ở đây chứa hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn.
7. Huyện Toại Xương, tỉnh Chiết Giang: Nghiên cứu năm 1987 của Trạm vệ sinh phòng dịch Lệ Thủy, Chiết Giang cho thấy hàm lượng Cd trong gạo sản xuất từ lúa nước trồng tại khu vực ô nhiễm gần mỏ vàng Toại Xương vượt tiêu chuẩn nghiêm trọng.
8. Khu vực mỏ wolfram Đại Dư thuộc tỉnh Giang Tây: Nghiên cứu năm 1997 của đội địa chất 4 Hữu Sắc, Giang Tây cho thấy hàm lượng Cd trong lúa nước ở đây vượt tiêu chuẩn.
9. Thị trấn Chu Châu, Mã Gia và thôn Tân Mã ở Hồ Nam: Gạo nhiễm Cd chủ yếu đến từ khu vực cách sông Tương Giang 1 km đổ ra. |
Nam Khánh (Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc)