Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng mới trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: CSIS |
Được phóng lên ngày 10/8, vệ tinh Faofen 3 của Trung Quốc với hệ thống radar đi kèm, có khả năng chụp ảnh Trái đất với độ phân giải cao và thu thập thông tin tình báo trên khu vực trong mọi loại điều kiện thời tiết. Theo các nhà sản xuất, vệ tinh này sẽ có vòng đời 8 năm.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố vệ tinh Faofen 3 sẽ giúp Trung Quốc “bảo vệ các lợi ích và quyền hàng hải” của nước này. Trong khi đó, Nhật báo Trung Quốc đưa tin, vệ tinh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát môi trường hàng hải, đảo, đá, tàu và giàn khoan.
Bình luận về động thái này của Trung Quốc, Giám đốc Văn phòng Báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau ngày 11/8 nhấn mạnh lại lập trường kêu gọi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông kiềm chế.
Đồng thời, bà khuyến khích đối thoại sử dụng không gian ngoại giao do Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, tạo ra.
Kêu gọi các bên không có các động thái khiêu khích, bà Trudeau nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng những biện pháp giúp giải quyết vấn đề một cách ngoại giao.
Trung Quốc từ lâu đã có những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Tuy nhiên, ngày 12/7, Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết lịch sử mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc cũng như các "quyền lịch sử" nước này tuyên bố tại vùng biển bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Phán quyết của tòa đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình của thế giới dù kể từ thời điểm trên, Trung Quốc nhất mực tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa.