Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 16/3, quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của nhóm làm việc dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bối cảnh Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) trước đó cùng ngày thông báo tỉnh Hồ Bắc chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới trong ngày 15/3, thấp hơn nhiều con số 14 ca ghi nhận trước đó một ngày.
Tuy nhiên, cuộc họp cũng ghi nhận số ca nhiễm mới là người từ nước ngoài vào Trung Quốc gây khó cho nước này trong nỗ lực chấm dứt dịch bệnh.
Theo NHC, tính đến hết ngày 15/3, số ca tử vong tại tỉnh Hồ Bắc đã lên tới 3.099 ca, sau khi ghi nhận 14 ca tử vong mới trong ngày 15/3, cao hơn con số 10 ca ghi nhận trước đó một ngày. Ngoài 4 ca nhiễm mới ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đại lục ghi nhận 12 ca nhiễm mới là người từ nước ngoài vào Trung Quốc, nâng tổng số ca nhiễm nhập cảnh lên 123.
Trong khi đó, hãng Fast Retailing của Nhật Bản cho biết chỉ có 30 trong số 750 cửa hàng Uniqlo của hãng tại Trung Quốc là vẫn đóng cửa, tức là phần lớn các cửa hàng của hãng ở ngoài tỉnh Hồ Bắc, hiện đã mở cửa trở lại.
Hồi tháng 2, Uniqlo đã đóng cửa 350 cửa hàng bán quần áo tại Trung Quốc, thị trường tăng trưởng chính của hãng khi thị trường tại Nhật Bản đã bão hòa và chi tiêu của người tiêu dùng giảm.
Cùng ngày, Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố bắt đầu từ ngày 17/3 sẽ thu phí tạm trú 200 HKD/ngày (khoảng 25 USD) tại 3 trung tâm cách ly được thiết lập để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đó là 2 trung tâm giải trí ngoài trời Tso Kung Tam, Sai Kung và Khu nghỉ dưỡng Lady MacLehose.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, Chính quyền Hong Kong đã thực thi các biện pháp cách ly bắt buộc hồi đầu tháng 2. Bất cứ người nào đến đặc khu này trước 14 ngày từng đến Trung Quốc đại lục buộc phải cách ly tại nhà hoặc nơi ở khác, nếu không thể sắp xếp nơi cách ly thì có thể đến 3 trung tâm cách ly trên. Tuy nhiên, hiện có một số trường hợp lạm dụng, sau khi nhiều lần đi lại Đại lục đã liên tục ra vào trung tâm cách ly, cũng có người có chỗ ở nhưng vẫn kiên quyết đòi vào trung tâm cách ly. Chính quyền Hong Kong quyết định thu phí nhằm giảm bớt các hiện tượng lạm dụng, để giành chỗ cho những người thực sự cần cách ly.
Trong diễn biến liên quan, Hong Kong cùng ngày đã ghi nhận thêm 7 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại đặc khu hành chính này lên 155 người, trong đó có 4 ca tử vong, 84 người đã bình phục và xuất viện.
Trong một động thái tương tự, Ấn Độ cũng đã triển khai các khu vực cách ly có thu phí tại khách sạn cho những người nhập cảnh vào nước này nhằm phòng ngừa dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ba khách sạn hàng đầu là IBIS, The Lemon Tree Premier và Red Fox gần sân bay quốc tế Indira Gandhi đã được chính quyền New Delhi đặt hàng dành riêng 182 phòng cho việc cách ly có thu phí. Thẩm phán New Delhi, Tanvi Garg cho biết việc yêu cầu các khách sạn trên dành khu cách ly được ban hành theo Quy định trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cơ sở tham vấn quản lý của 3 khách sạn. Bà Garg cũng cho biết chính quyền New Delhi có quyền ban hành các lệnh như trên theo điều 30 của Đạo luật Quản lý Thảm họa năm 2005.
Giá thuê phòng sẽ không vượt mức 3.100 rupi (gần 1 triệu VND)/ngày, bao gồm 3 bữa sáng, trưa, tối cũng như các tiện ích khác như nước khoáng, trà, café và Internet. Các bữa ăn được phục vụ tại phòng bằng hộp đựng dùng một lần. Các vỏ, thùng hộp sẽ được xử lý như rác thải y tế sinh học. Các khách sạn cũng được yêu cầu giặt riêng đồ của những khách cách ly. Những người cách ly chỉ được di chuyển trong phạm vi hạn chế dưới sự giám sát của nhân viên an ninh và camera quan sát.
Trong khi đó, tại châu Phi, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed ngày 16/3 đã ra lệnh đình chỉ ngay lập tức hoạt động giảng dạy tại các trường phổ thông trung học, các cuộc mít tinh lớn và các sự kiện thể thao quan trọng trong vòng 15 ngày do lo ngại dịch COVID-19.
Trong tuyên bố, Thủ tướng Ethiopia nêu rõ: "Các học sinh được yêu cầu ở trong nhà trong 15 ngày, giới lãnh tụ tôn giáo cũng nên giảm số lượng các chương trình tôn giáo trong vòng 15 ngày tới". Thủ tướng Ahmed đưa ra quyết định trên trong bối cảnh quốc gia châu Phi này cho đến nay đã ghi nhận 5 ca mắc bệnh COVID-19.
Cùng ngày, Liên đoàn bóng đá Namibia (NFA) cũng đình chỉ mọi hoạt động bóng đá theo như chỉ thị cấm tụ tập đông người nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 mà Tổng thống Hage Geingob đưa ra ngày 14/3.
Hồi tuần trước, FIFA đã yêu cầu hoãn các trận đấu quốc tế dự kiến diễn ra trong tháng này và tháng tới do lo ngại dịch bệnh COVID-19. Thông báo của FIFA cũng khẳng định các CLB có quyền từ chối để cầu thủ trở về làm nhiệm vụ với đội tuyển quốc gia trong tình hình hiện nay. Hiện các trận đấu vòng loại World Cup 2022 ở khu vực châu Á và Nam Mỹ đã bị hoãn.