Thỏa thuận phát triển mỏ khí South Pars đã được CNPC ký hồi năm 2017 với công ty PetroPars của Iran và công ty Total SA của Pháp. Tuy nhiên, hồi năm ngoái, Total SA đã rút lui do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh cho biết CNPC "đã không còn tham gia dự án này nữa".
Theo ông Zangeneh, ban đầu Total SA được cho là chiếm 50,1% số vốn, CNPC chiếm 30% và doanh nghiệp của Iran chiếm 19,9%.
Sau khi Total SA rút lui, CNPC đã nhận lại phần của doanh nghiệp Pháp. Hiện CNPC rút đi, Petrobas sẽ tự mình khai thác mỏ này. Ông cũng không cung cấp thêm lý do cụ thể khiến Trung Quốc rút lui.
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc chưa đưa ra xác nhận về quyết định này. CNPC cũng chưa có bình luận và trang web của công ty không đề cập tới việc rút lui trên.
Sự rút lui của Trung Quốc khỏi dự án South Pars tiếp tục là một đòn giáng mạnh tới nền kinh tế Iran, vốn đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nằm ở vịnh Persian, mỏ khí South Pars có diện tích 9.700 km2 trên biên giới chung giữa Iran và Qatar, trong đó khoảng 3.700 km2 thuộc Iran và 6.000 km2 thuộc Qatar.
Kế hoạch ban đầu của dự án phát triển mỏ South Pars bao gồm 20 giếng dầu và 2 dàn khoan với công suất ước tính lên đến 5.663.369 m3 khí thiên nhiên/ngày.
Giới quan sát nhận định việc CNPC rút khỏi dự án này là do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tháng trước, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 cá nhân và 6 thực thể Trung Quốc vì vận chuyển dầu từ Iran.
Các đối tượng nằm trong danh sách trừng phạt gồm công ty vận tải Cosco Shipping Tanker Co và công ty vận tải biển Cosco Shipping Tanker Seaman - hai chi nhánh của công ty vận tải Cosco. Danh sách này còn bao gồm một số công ty xăng dầu và vận tải khác gồm China Concord Petroleum Co, Kunlun Shipping Company Ltd, Kunlun Holding Company Ltd và Pegasus 88 Limited.
Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang kể từ tháng 5/2018, khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc) và Đức, đồng thời tái áp đặt và ngày càng siết chặt trừng phạt Iran.
Căng thẳng có nguy cơ lên đỉnh điểm sau các vụ tấn công ngày 14/9 vừa qua vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, mà Washington và Riyadh đổ lỗi do Tehran đứng đằng sau. Iran đã bác bỏ mọi dính líu, đồng thời khẳng định sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công quân sự.
Hiện nhiều nước phương Tây mong chờ Washington và Tehran có thể nối lại đàm phán để tháo gỡ những vấn đề hiện nay.