Đây là khẳng định của Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra ngày 2/8 trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn "nước sôi lửa bỏng".
Trong tuyên bố, bộ trên bày tỏ ủng hộ các biện pháp đối thoại để giải quyết mâu thuẫn, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng việc đối xử công bằng và giữ vững các cam kết là yêu cầu tiên quyết cho đối thoại. Tuyên bố nhấn mạnh những biện pháp của Mỹ sẽ không thể gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với Trung Quốc mà "chỉ khiến các nước vùng lãnh thổ phản đối chiến tranh thương mại thêm thất vọng".
Trước đó, ngày 1/8, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo các bộ liên quan nâng mức thuế xem xét đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% ban đầu lên 25% do Bắc Kinh từ chối đáp ứng các yêu cầu của Washington và đưa ra các biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ.
Phản ứng với động thái này của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ trở lại với lẽ phải trong thương mại, khẳng định mọi sức ép nhằm vào Bắc Kinh sẽ vô tác dụng, đồng thời cảnh báo về các biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Đầu tháng 7, Mỹ đã áp thuế 25% đối với một lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc và có kế hoạch áp thuế với lượng hàng hóa bổ sung khác trị giá 16 tỷ USD. Việc Mỹ tăng thuế là một trong những giải pháp của chính quyền Tổng thống Trump nhằm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Năm 2017, mức thâm hụt thương mại này là 376 tỷ USD. Gần đây, ông Trump dọa sẽ tăng thuế quan đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ với tổng giá trị lên tới hơn 500 tỷ USD vào năm 2017.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế đã khiến chứng khoán châu Á đi xuống. Trong phiên giao dịch ngày 2/8, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống do lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại lại "nóng" lên sau khi Mỹ cảnh báo về khả năng tăng mức thuế dự định áp lên một loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 234,17 điểm (1,03%) xuống 22.512,53 điểm, chủ yếu do xu hướng bán tháo gia tăng. Tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX 200 sụt giảm 0,6% xuống 6.240,90. Còn tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi hạ 1,6% xuống 2.270,2 điểm. Các thị trường Singapore và Đài Bắc cũng mất điểm.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chính là Thượng Hải và Hong Kong lùi 56,51 điểm (2%) và 626,18 điểm (2,21%), xuống lần lượt 2.7,02 điểm và 27.714,56 điểm.
Trong nỗ lực ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có những cuộc đối thoại riêng rẽ nhằm thúc đẩy nối lại đàm phán để giải quyết căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước.
Mặc dù hai bên chưa đưa ra được thời gian cụ thể, những vấn đề sẽ được thảo luận cũng như thể thức của các cuộc đàm phán, nhưng đã đạt được nhất trí cần tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn.