Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Đại sứ Đặng Tích Quân cho biết hai bên đã có một số hợp tác chống đại dịch kể từ khi COVID-19 bùng phát tại khu vực, thúc đẩy sự đồng thuận trong khu vực về một giải pháp ứng phó tập thể mạnh mẽ hơn, đồng thời tăng cường quan hệ thương mại giữa hai bên. Theo ông Đặng Tích Quân, Trung Quốc và ASEAN có tiềm năng hợp tác to lớn trong việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine phòng COVID-19 và Bắc Kinh trông đợi hợp tác trong lĩnh vực này.
Tại Trung Quốc, các loại vaccine đang được phát triển theo 5 hạng mục: vaccine khử hoạt tính, vaccine tái tổ hợp protein, vaccine phòng cúm giảm độc lực, vaccine chống virus gây bệnh đường hô hấp và vaccine dựa trên acid nucleic. Cho tới nay, 4 loại vaccine khử hoạt tính và một loại vaccine chống virus gây bệnh đường hô hấp đã được chấp thuận trong thử nghiệm lâm sàng. Đại sứ Đặng Tích Quân khẳng định, một khi vaccine phòng COVID-19 sẵn sàng để sử dụng tại Trung Quốc, đây cũng sẽ trở thành mặt hàng phổ biến rộng rãi trên toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ cho biết ngày 11/6, Thống đốc bang Sao Paulo của Brazil, Joao Doria thông báo Viện Butantan của địa phương này sẽ liên kết với một phòng thí nghiệm của Trung Quốc để sản xuất vaccine ngừa SARS-CoV-2, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Phát biểu trong họp báo, ông Doria cho biết Viện Butantan đã ký một thỏa thuận công nghệ với tập đoàn dược phẩm Sinovac Biotec để sản xuất loại vaccine đang rất được mong đợi này. Theo các kết quả nghiên cứu, vaccine sẽ có thể ra mắt vào nửa đầu năm 2021. Dự kiến, tập đoàn của Trung Quốc sẽ cung cấp cho Viện Butantan các liều vaccine để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với những người tình nguyện tại Brazil từ tháng 7 tới. Hiện đã có 9.000 tình nguyện viên sẵn sàng tham gia giai đoạn này.
Brazil đang là một trong những nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với 772.416 người, trong đó có 39.0 ca tử vong.