Tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ ngày 15/11 đưa tin: Trung Quốc chuẩn bị bấm nút vận hành dự án khai thác khí gas tầng nước sâu tại Biển Đông, một công trình với dàn khoan do Bắc Kinh tự chế tạo, có khả năng chống chọi với bão lớn, cùng với hàng trăm km đường ống dẫn khí ngầm dưới biển.
Giàn khoan Liwan-3.1 được tàu kéo ra mỏ khai thác hồi đầu tháng 5 vừa qua. Ảnh: Internet
|
Dự án khai thác khí này này là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng gấp đôi việc sử dụng khí gas, chiếm 10% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vào năm 2020, tránh việc phải phụ thuộc quá nhiều vào than đá - hiện chiếm đến 2/3 sản lượng điện ở nước này.
Mỏ khí Liwan-3 (Lệ Loan 3) tại Biển Đông, cách đông nam Hong Kong (Trung Quốc) hơn 320km, dự kiến sẽ đi vào khai thác đầu năm tới, cung ứng khoảng 4% nhu cầu về gas của Trung Quốc. Dự án 6,5 tỉ USD này được cho là nằm ở vị trí thuận lợi, không thuộc khu vực tranh chấp ở Biển Đông, gần Trung Quốc. Hãng Husky Energy Inc của Canada nắm 49% cổ phần, 51% còn lại thuộc Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC).
Sản lượng ban đầu tại mỏ Liwan dự kiến đạt 300 triệu mét khối khí/ngày và sẽ tăng lên mức 350 triệu mét khối khí/ngày trong năm tiếp theo. Khi được kết nối với mỏ thứ 3 hoàn thành sau 1 năm nữa, sản lượng khai thác sẽ đạt mức 500 triệu mét khối khí/ngày. Những dòng khí gas đầu tiên sẽ là từ 9 giếng khoan sâu 4.750 m dưới lòng biển, được chuyên chở bằng tuyến đường ống dài gần 80km để đến trạm tập trung, sau đó lại được chuyển bằng tuyến đường ống dài 256km đến điểm ở bờ biển giữa Macau và Hong Kong.
Theo thiết kế, khối giàn khoan khủng Liwan-3.1 này nặng 30.000 tấn, cao hơn 69m so với mặt nước biển, với lượng thép sử dụng đủ để xây dựng 4 tháp Eiffel, chịu được sóng cao hơn 9m, gió hơn 160km/giờ.
HT (WSJ)