Các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực vào lúc 04h01 GMT (11 giờ 1 phút sáng theo giờ Việt Nam) ngày 6/7 này.
Theo ông Gao Feng, Trung Quốc sẽ không "nổ súng trước", nhưng cơ quan hải quan của nước này đã tuyên bố rõ ràng rằng biểu thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực ngay sau khi các mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc chính thức được áp dụng.
Thép được sản xuất tại nhà máy ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN .
|
Theo một doanh nghiệp về dữ liệu thương mại Panjiva, mục tiêu của Washington áp thuế cao hơn tập trung vào các sản phẩm công nghiệp như các linh kiện máy tính, máy bơm nhiên liệu, thiết bị xây dựng và ô tô. Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu này trên thực tế đều do chính các doanh nghiệp Mỹ hoặc các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc chế tạo.
Ông Cao Phong nêu rõ: “Trong danh mục hàng hóa chịu thuế 34 tỷ USD của Mỹ, khoảng 20 tỷ USD (tương đương 59%) do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, trong đó các doanh nghiệp Mỹ chiếm một tỷ lệ đáng kể. Phát ngôn viên Gao Feng cảnh báo mức thuế quan được đề xuất của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Không chỉ vậy, việc Washington áp đặt thuế quan sẽ tác động tới các công ty từ mọi quốc gia, bao gồm cả các công ty Trung Quốc và Mỹ.
Dự kiến các biện pháp thuế mới của hai bên sẽ đều có hiệu lực từ ngày 5/7.
Phát ngôn viên Gao Feng cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục đánh giá các tác động tiềm năng của cuộc chiến thương mại đối với các công ty và sẽ giúp họ giảm thiểu những cú sốc có thể xảy ra.
Tháng trước, Mỹ tuyên bố áp mức thuế mới đối với khoảng 1.100 sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó đợt đầu là 818 sản phẩm, gồm các loại ô tô, trị giá gần 34 tỷ USD bắt đầu có hiệu lực. Trong lúc Trung Quốc khẳng định sẽ áp thuế bổ sung lên tới 25% đối với 659 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, trị giá 50 tỷ USD.
Những tranh chấp thương mại gần đây giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tác động đến thị trường tài chính, bao gồm chứng khoán và tiền tệ, thậm chí ảnh hưởng tới cả hoạt động thương mại hàng hóa trên toàn cầu, từ đậu tương đến than đá. Cho đến nay, chưa có tín hiệu nào cho thấy Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung và nỗi lo về một cuộc chiến thương mại thực sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hiện hữu.