Đó là thời điểm Vũ Hán vừa thoát khỏi lệnh đóng cửa kéo dài 76 ngày. Một năm sau, thành phố ở miền trung Trung Quốc này trở lại nhịp sống như bình thường. Người đàn ông 35 tuổi này thậm chí còn đưa gia đình đi nghỉ ở Huanggang gần đó.
Nhưng đến ngày 3/8, tình hình thay đổi hẳn: Vũ Hán ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, khởi phát từ một công nhân xây dựng di cư. Còn trên cả Trung Quốc, dịch bệnh cũng tràn tới nhiều tỉnh, thành phố, với sự xuất hiện của biến thể Delta có mức lây nhiễm mạnh. Giống như các đợt dịch trước đó, chính quyền thực thi một loạt các biện pháp hạn chế di chuyển và đóng cửa có chọn lọc. Nhưng dường như trừng đó là chưa đủ, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng.
Đầu mùa hè này, dường như dịch bệnh nằm trong tầm khống chế. Đó là thời điểm Trung Quốc đã tiêm phòng được hơn một tỉ liều vaccine, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Dường như Trung Quốc đang trên đường hướng tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Một vài ổ dịch lẻ tẻ nhanh chóng được dập tắt, khi chính quyền thực thi đóng cửa chọn lọc, xét nghiệm diện rộng và đẩy mạnh tiêm chủng. Bắc Kinh cũng duy trì kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày, với nhiều lần xét nghiệm COVID-19.
Thế nhưng ổ dịch ở sân bay quốc tế Nam Kinh liên quan đến một chuyến bay từ Nga đã khiến tình hình thay đổi. Từ chùm ca bệnh này, biến thể Delta đã lây ra 15 trên tổng số 31 tỉnh tại Trung Quốc. Riêng trong ngày 5/8, Trung Quốc ghi nhận 124 ca, trong đó có 80 ca lây nhiễm cộng đồng, 44 ca nhập cảnh.
Đợt dịch mới này đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh có phải thay đổi cách thức chống dịch “không ca nhiễm COVID-19” sang sống chung với virus. Lây nhiễm xuất hiện tại thời điểm Trung Quốc đã tiêm chủng được cho 61% dân số. Giới chức chính quyền tái khẳng định vai trò quan trọng của vaccine, đồng thời nhấn mạnh kết hợp vaccine các biện pháp phòng dịch khác như đeo vệ sinh, sát khuẩn, vệ sinh cá nhân. Cho đến nay, Trung Quốc sử dụng ba loại vacine nội địa cho chiến dịch tiêm chủng, gồm Sinovac, Sinopharm và CanSino.
Giáo sư Nicholas Thomas, chuyên gia về an ninh y tế Đại học City Hong Kong cho rằng Trung Quốc vẫn cần mở cửa biên giới để kết nối với kinh tế toàn cầu, nếu không sẽ bị các nước chọn cách tiếp cận “sống chung với COVID-19” vượt lên. Tuy nhiên, với một đất nước luôn tự hào nằm trong số ít các nước kiểm soát thành công COVID-19 cùng với chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất thế giới, sẽ rất khó để chính phủ Trung Quốc sớm dịch chuyển chiến lược “nhổ tận gốc” dịch bệnh sang sống chung với virus.
Tờ thời báo Hoàn cầu mới đây đăng tải bài xã luận chỉ trích mô hình tái mở cửa ồ ạt theo kiểu Anh, cho rằng biện pháp đó sẽ gây ra những tổn thất xã hội vượt ngoài dự đoán. Tuy nhiên, chính chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Zhang Wenhong thừa nhận rằng đợt dịch mới nhất này một lần nữa cho thấy thực tế virus sẽ không mất đi. “Dù muốn hay không, sẽ luôn xuất hiện nguy cơ ở phía trước. Một trong những việc chính phủ cần làm là đưa nhịp sống trở lại bình thường, đồng thời bảo vệ người dân trước mối lo sợ virus”, ông Zhang nêu quan điểm.
Theo giáo sư Nancy Jecker tại Đại học Y khoa Washington, thế giới suy cho cùng có hai trường phái: Những nước theo đuổi chiến lược “không COVID-19” và nhóm còn lại chọn cách trung hòa nguy cơ, chuyển sang sống chung với virus.
“Nhưng đến một lúc nào đó chúng ta có thể cũng không có quyền lựa chọn, buộc phải chấp nhận giai đoạn hậu đại dịch mà ở đó số ca tử vong vì COVID-19 giảm, nhưng virus vẫn có thể xuất hiện theo năm, như dịch cúm mùa. Nếu đó là thực tế, Trung Quốc sẽ phải học cách sống chung”, chuyên gia này chia sẻ.
Trong trường hợp của ông Sun, chủ cửa hàng mỳ, virus đơn giản chỉ là điều gì đó ông muốn bỏ lại phía sau. Bởi các doanh nghiệp đã rất nỗ lực nhằm tuân thủ các quy định, nhưng chỉ với vài ca mắc, cả nước giờ lại đứng trước nguy cơ. “Tôi không muốn lịch sử lặp lại, nó quá đau đớn”, ông Sun nói.