Tính tới tối 2/4, với việc tỉnh Giang Tô xác nhận thêm 4 trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9, tổng số ca nhiễm H7N9 ở Trung Quốc đã tăng lên con số 7, trong đó 2 người đã chết và số còn lại trong tình trạng nguy kịch.
Trước việc phát hiện 4 trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9, theo Tân Hoa xã, tỉnh Giang Tô đã khởi động phương án ứng phó khẩn cấp liên quan, chỉ định 16 bệnh viện làm cơ sở thu nhận điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi rút cúm H7N9.
Đo thân nhiệt du khách tại cửa khẩu nhằm phát hiện trường hợp nghi nhiễm H7N9. Ảnh: Internet. |
Ngoài ra, tỉnh Giang Tô còn quyết định thành lập tổ lãnh đạo công tác phòng trị bệnh cúm gia cầm H7N9 và tổ chuyên gia kiểm soát dự phòng dịch cúm H7N9 ở người cũng như tổ chuyên gia cấp cứu điều trị cho bệnh nhân cúm H7N9.
Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn Trung tân cho hay mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút cúm H7N9 nào trên địa bàn, nhưng ngày 2/4, Sở Nông nghiệp Quảng Đông đã phát thông báo khẩn cấp tới tất cả các địa phương trong tỉnh nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh từ gốc.
Theo thống kê, từ tháng 1 tới tháng 3 năm nay, Quảng Đông đã tiến hành kiểm dịch cho hơn 10 triệu đầu gia súc, 220 triệu đầu gia cầm, phát hiện 143.000 đầu gia súc mắc bệnh và đã tiến hành xử lý. Tỉnh cũng đã tiêm 410 triệu liều vắc-xin chống cúm gia cầm, về cơ bản đàn gia xúc gia cầm ở Quảng Đông trong tình trạng được bảo vệ miễn dịch hiệu quả.
Tuy nhiên, do đã trải qua dịch SARS, cho nên, sau khi xuất hiện trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc, Quảng Đông hết sức quan tâm chú ý tới vấn đề này.
Sở Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương phải thực thi nghiêm ngặt chế độ kiểm tra giám sát vệ sinh động vật, các nhân viên làm nhiệm vụ phải tiến hành tuần tra, kiểm tra định kỳ theo quy định, trọng điểm là các chợ buôn bán gia súc gia cầm, các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc gia cầm; thông qua tăng cường tuần tra và tuyên truyền, đốc thúc các cơ sở chăn nuôi, các hộ chăn nuôi tiến hành nghiêm túc xử lý gia súc gia cầm bị bệnh theo đúng quy định nhằm chặt đứt nguồn gây bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Nằm sát cạnh Quảng Đông, Đặc khu Hành chính Hong Kong cũng rất quan tâm chú ý tới sự kiện xuất hiện ca nhiễm cúm H7N9 và đã thông báo để các bệnh viện thực thi biện pháp dự phòng, lập tức báo cáo các trường hợp nghi ngờ.
Ngay sau khi biết thông tin về ca nhiễm cúm H7N9 đầu tiên trên thế giới xuất hiện tại Trung Quốc, giới chức y tế Hong Kong đã liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới để lấy tài liệu liên quan và tạo kênh liên lạc liên quan chặt chẽ với Trung Quốc, nhất là với tỉnh giáp ranh Quảng Đông để nắm bắt tình hình.
Trong khi Trung tâm An toàn Thực phẩm Hong Kong sẽ tăng cường việc kiểm tra giám sát để phát hiện diễn biến bất thường trong hoạt động cung cấp thịt gia súc, gia cầm từ Trung Quốc đại lục tới Hong Kong, hải quan các cửa khẩu cũng được lệnh tăng cường phòng bị.
Ngoài việc phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng chống, các thiết bị đo thân nhiệt du khách nhập cảnh cũng được tăng cường tại các cửa khẩu. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, các biện pháp cách li sẽ được áp dụng và nhân viên y tế sẽ tiến hành xét nghiệm nhanh để phát hiện có nhiễm vi rút cúm H7N9 hay không.
Ngoài Quảng Đông, Hong Kong, nhiều địa phương khác ở Trung Quốc như Hà Bắc, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc, Trùng Khánh… đã khởi động cơ chế phòng dịch, triển khai công tác chuẩn bị vật tư xét nghiệm phát hiện vi rút H7N9 và phòng hộ cá nhân.
Hà Ngọc