Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong khi các quốc gia gia châu Âu còn đang vật lộn với tình cảnh thiếu hụt vaccine ngừa COVID-19, Trung Quốc đã âm thầm cung cấp vaccine cho Serbia và Hungary, gặt hái được những lợi ích chính trị từ chiến lược ngoại giao mềm của nước này trên "lục địa già".
1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Sinofarm đã đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm chủng cho 6,95 triệu dân tại Serbia khi chương trình khởi động từ ngày 17/1. Theo số liệu của đại học Oxford, Serbia là quốc gia có tốc độ triển khai tiêm chủng nhanh nhất tại châu Âu, chỉ đứng sau Anh.
Hungary sau này cũng trở thành thành viên EU đầu tiên đơn phương phê duyệt vaccine của Trung Quốc sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào này 29/1. Quốc gia này đã đặt hàng 5 triệu liều, đủ cho 1/4 dân số.
Câu chuyện thành công của Trung Quốc tại hai quốc gia trên hoàn toàn trái ngược với tình thế khó khăn mà EU gặp phải khi phân phối vaccine cho 27 quốc gia thành viên. 300 triệu liều mà khối liên minh này đặt trước phải đối mặt với những chậm trễ sau khi công ty AstraZeneca cho biết các vấn đề trong khâu sản xuất đã cản trở việc vận chuyển vaccine tới EU trong tháng 2 và tháng 3, cắt giảm liều lượng dự kiến từ 80 triệu liều trong quý đầu năm xuống còn 31 triệu liều.
Tính đến hết tháng 1/2021, chưa đầy 4% dân số của các thành viên EU cộng lại (450 triệu dân) được tiêm chủng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 4/2 cho biết tình hình ở Serbia phản ánh chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đang hiệu quả hơn cách tiếp cận đa phương của EU.
“Chúng tôi khá ấn tượng trước hiệu quả ngoại giao của Trung Quốc. Đây có lẽ là điều khiến chúng tôi – những người lãnh đạo trong khối – cảm thấy hơi xấu hổ”, Tổng thống Macron cho hay, song cũng bày tỏ nghi vấn về việc không có đủ dữ liệu về tính hiệu quả của vaccine Trung Quốc.
Dựa trên mối quan hệ có phần khăng khít từ trước, chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đối với Serbia và Hungary không phải là một điều bất ngờ.
Theo Grzegorz Stec – nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator trụ sở ở Brussels, Thủ tướng Hungary Viktor Orban có quan điểm chính trị tương đồng với Trung Quốc, trong khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nhiều lần chỉ trích EU, cáo buộc EU áp đặt các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu trang thiết bị y tế và ca ngợi Trung Quốc dang rộng tay giúp đỡ.
Stefan Vladisavljev, điều phối viên chương trình của Diễn đàn An ninh Belgrade, nói rằng nhiều năm qua, Serbia vun đắp mối quan hệ khăng khít với Trung Quốc đã nhận được quả ngọt trong khi các nước láng giềng ở phía tây Balkan - như Montenegro, Kosovo và Macedonia – hầu như chưa nhận được vaccine từ EU.
Nhà phân tích Vladisavljev nói thêm trong khi hoạt động ngoại giao của EU tại Serbia đang bị đình trệ thì Đại sứ Trung Quốc tại Serbia Chen Bo là người hoạt động tích cực. Ông này thường xuyên gặp gỡ nhà lãnh đạo Vucic và các bộ trưởng khác, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh coi trọng mối đồng minh rất thân thiết ở EU. “Serbia là câu chuyện thành công của chính sách ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc, và bây giờ là đến ngoại giao vaccine,” Vladisavljev nhận định.
Tuy nhiên, nhà phân tích Stec cho rằng châu Âu vẫn sẽ cảnh giác với các loại vaccine của Trung Quốc. “Tôi dự đoán niềm tin vào các sản phẩm của Trung Quốc vẫn bị hạn chế vì những vụ bê bối về chất lượng khẩu trang trong năm ngoái ở Tây Ban Nha và Hà Lan sau khi được Trung Quốc giao sang châu Âu. Tất nhiên, khẩu trang rất khác so với vaccine nhưng tôi nghĩ điều này sẽ dẫn đến việc vaccine Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ hơn so với các nhà cung cấp phương Tây”, vị chuyên gia kết luận.