Trong một tuyên bố với sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Hengda Real Estate Group – đơn vị bất động sản của tập đoàn Evergrande - khẳng định trong ngày 23/9 sẽ trả một khoản lãi trái phiếu phát hành trong nước. Số trái phiếu này có lãi suất 5,8%, đáo hạn gốc vào tháng 9/2025, đang được giao dịch ở Thâm Quyến. Theo số liệu của Refinitiv, tổng số tiền lãi trái phiếu mà Hengda Real Estate đã thương thảo để trả trong ngày 23/9 là khoảng 232 triệu Nhân Dân Tệ (NDT - tương đương 35,88 triệu USD).
Sau tuyên bố của Evergrande, hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ, đồng NDT, đồng đô la Australia (một loại tài sản nhạy cảm với rủi ro) đồng loạt đi lên. Trong khi đó, các tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn như đồng yen Nhật hay trái phiếu kho bạc Mỹ đều rớt giá.
Thông báo trấn an từ tập đoàn bất động sản này đã phần nào xoa dịu lo lắng của các nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, khoản tiền trên chỉ là một trong những khoản lãi trái phiếu mà Evergrande phải thanh toán. Tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới này cũng phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu vào ngày 23/9. Đây là lãi trái phiếu bằng đồng USD kỳ hạn 5 năm của Evergrand, sẽ đáo hạn vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích cho rằng doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc này sẽ không thể thanh toán đúng hẹn. Ngoài ra, một khoản thanh toán lãi suất khác cho trái phiếu đồng USD kỳ hạn 7 năm sẽ đến hạn vào ngày 29/9 tới. Giới quan sát nhận định nếu Evergrande không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, tác động tiêu cực có thể lan ra các thị trường tài chính Trung Quốc cũng như thế giới. Nhiều nhà phân tích so sánh Evergrande với Lehman Brothers 13 năm trước đây.
Được thành lập vào năm 1997, Evergrande có chi nhánh, hiện diện tại 280 thành phố, với số lượng nhân viên lên tới 200.000 người. Tập đoàn này đã thực hiện 900 dự án xây tòa nhà thương mại, hạ tầng bất động sản. Tuy nhiên, tập đoàn Evergrande hiện đang ngập trong nợ nần, lên đến 300 tỷ USD, sau nhiều năm vay vốn để đáp ứng tăng trưởng nhanh. Đại diện của Evergrande ngày 14/9 đã thừa nhận tập đoàn đang đứng trước sức ép “đặc biệt lớn” và có thể không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ lớn. Sự sụp đổ của Evergrande có thể sẽ gây ra thảm họa lớn, khi mà có tới 1,5 triệu khách hàng đã bỏ tiền ra mua căn hộ còn chưa được xây dựng.
Về việc Evergrande đang bên bờ vực sụp đổ, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ Gary Gensler khẳng định so với năm 2008, hệ thống tài chính Mỹ đã có sự chuẩn bị tốt hơn để chống chọi với sự sụp đổ có thể xảy ra từ một vụ phá sản lớn. Theo ông, hệ thống tài chính Mỹ đã được củng cố kể từ cuộc khủng hoảng trên thị trường thế chấp ở Mỹ cách đây hơn 1 thập niên, vốn gây ra cuộc suy thoái toàn cầu. Ông đề cập đạo luật Dodd-Frank, theo đó buộc các ngân hàng phải tăng vốn để nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống hay sự kiện khó lường. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo điều này không đồng nghĩa Mỹ “miễn nhiễm” bởi các nền kinh tế trên thế giới có sự gắn kết với nhau.