Chỉ trong một ngày, đã có thêm 45 ca tử vong và gần 2.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong được xác nhận tại Trung Quốc tính đến ngày 2/2 lên 304 người và 14.411 ca nhiễm.
Một trong những diễn biến mới là đã có một bệnh nhân nhiễm virus nCoV tử vong ngoài Trung Quốc. Philippines đã xác nhận một người đàn ông 44 tuổi tới từ Vũ Hán vào tháng trước là trường hợp tử vong đầu tiên tại nước này. Theo Bộ Y tế Philippines, khi nhập viện, bệnh nhân đã bị viêm phổi nặng. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines Rabindra Abeyasinghe xác nhận đây là trường hợp tử vong đầu tiên do chủng virus corona mới ngoài Trung Quốc.
Trong cảnh báo mới nhất về con đường truyền nhiễm của virus nCoV, các chuyên gia y tế thuộc Bệnh viện Nhân dân của Đại học Vũ Hán và Viện virus học Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thông báo virus nCoV hiện nay có thể truyền nhiễm qua hệ tiêu hóa. Kết luận trên được đưa ra khi các nhà khoa học đã tìm thấy acid nucleic của virus trong chất bài tiết và trực tràng sau khi phát hiện dấu hiệu ban đầu của một số ca nhiễm bệnh lại chỉ là tiêu chảy chứ không phải sốt như các trường hợp phổ biến.
Cùng ngày, 2 hành khách trong tổng số 124 người được sơ tán từ thành phố Vũ Hán về Đức đã bị nhiễm nCoV, nâng tổng số người nhiễm chủng virus nguy hiểm này lên 10 trường hợp. Ấn Độ cũng xác nhận trường hợp thứ hai nhiễm nCoV tại bang miền Nam Kerala, nơi phát hiện ca đầu tiên dương tính với nCoV. Bệnh nhân từng đến Trung Quốc và về nước trong thời gian gần đây. Trong khi đó, các thông tin cập nhật cho biết trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên ở Tây Ban Nha được xác nhận là một người Đức khi người này trước đó đã tiếp xúc với một người Đức bị nhiễm virus. Hiện người này đang được cách ly, điều trị và theo dõi trên đảo La Gomera, thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha. Mỹ và Macau (Trung Quốc) đều ghi nhận ca nhiễm virus nCoV thứ 8.
Trong khi đó, ngoài những biện pháp phong tỏa, cách ly những người nhiễm virus, ngày 2/2, các quốc gia như Nga, Đức, Malaysia và Algeria đã thông báo sơ tán công dân nước mình từ "tâm dịch" Vũ Hán về nước. Các nước như Hàn Quốc, New Zealand cũng ra thông báo cấm người nước ngoài từng thăm tỉnh Hồ Bắc nhập cảnh. Với 3 hãng hàng không của Philippines thông báo hủy các chuyến bay tới Trung Quốc, tính đến ngày 2/2, đã có gần 40 hãng hàng không trên thế giới đưa ra quyết định tương tự. Đây được coi là biện pháp chủ động đối phó và ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.
Trong lĩnh vực điều trị, Thái Lan vừa tuyên bố đã điều trị thành công một số ca nghiêm trọng nhiễm chủng mới virus corona nhờ kết hợp thuốc kháng HIV và thuốc chữa cúm. Kết quả bước đầu cho thấy sức khỏe của bệnh nhân cải thiện nhanh trong 48 giờ. Đây được xem là dấu hiệu khả quan, nhưng các bác sĩ của Bệnh viện Rajavithi ở thủ đô Bangkok cho biết vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định xem biện pháp này có thể trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn hay không.
Cũng trong nỗ lực chung nhằm khống chế dịch bệnh, ngày 2/2, giới chức Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng tăng cường hợp tác quốc tế để kiểm soát tình hình. Ngoài các biện pháp chính quyền trung ương đã triển khai, nhiều thành phố cũng áp dụng các quy định riêng. Thành phố Thượng Hải thông báo sẽ lắp đặt các trạm kiểm tra thân nhiệt hành khách tại 9 ga tàu điện ngầm, bắt đầu từ 3/2, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn được xây dựng tại Vũ Hán, cũng thông báo bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus nCoV lần lượt vào các ngày 3/2 và 6/2 nhằm giảm sức ép cho các bệnh viện đang quá tải tại thành phố "tâm dịch" này.