Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết đơn vị chuyên về vi mạch của Alibaba là T-Head vào tháng 10 đã tiết lộ bộ xử lý thứ ba tự sản xuất có tên Yitian 710. Alibaba không có kế hoạch bán Yitian 710 cho bên ngoài. Một số công ty lớn khác của Trung Quốc cũng chập chững bước vào phát triển vi mạch là Tencent và Xiaomi.
Vi mạch đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sản xuất điện thoại thông minh, thiết bị y tế, đồ gia dụng… Tình trạng thiếu vi mạch do dịch COVID-19 đang gây gián đoạn sản xuất toàn cầu và gia tăng lo ngại về nguồn cung.
Vi mạch là một ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh để chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác mà Trung Quốc coi là đối thủ tiềm năng về kinh tế và chiến lược.
Hồi tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình từng phát biểu “tự lực là nền tảng của Trung Quốc”. Ông kêu gọi biến Trung Quốc thành “cường quốc công nghệ” và bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia.
Chủ trương của Bắc Kinh đã gây gia tăng căng thẳng với Mỹ và châu Âu vốn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược và nhiều lần than phiền rằng nước này đã đánh cắp công nghệ.
Nếu thế giới bị chia rẽ thành các thị trường với tiêu chuẩn và sản phẩm không đồng nhất thì các linh kiện sản xuất tại Mỹ hoặc châu Âu sẽ không thể hoạt động trong máy tính, ô tô của Trung Quốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong tháng 9 nhận định với AP rằng Washington và Bắc Kinh cần “tránh để thế giới trở nên chia rẽ”.
Các nhà máy của Trung Quốc lắp ráp nhiều điện thoại thông minh và máy tính bảng của các hãng trên thế giới nhưng cần thành phần từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vi mạch là sản phẩm nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc khi đạt giá trị 300 tỷ USD trong năm 2021.
Hiệp hội Công nghiệp Thiết bị bán dẫn trong năm nay đánh giá Trung Quốc đang tụt lại đáng kể về công cụ, vật liệu và công nghệ sản xuất.
Yitian 710 của Alibaba dựa trên thiết kế từ hãng Arm của Anh, điều này phản ánh nhu cầu của Trung Quốc với công nghệ nước ngoài. Alibaba cũng tuyên bố vẫn hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài như Intel, Arm, Nvidia…
Trung Quốc tuyên bố sẽ chi 150 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2030 để phát triển công nghiệp vi mạch, tuy nhiên con số này được cho là khá nhỏ so với đầu tư mà những quốc gia khác đã bỏ ra.