Tham gia cuộc thử nghiệm trên có 10.241 người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, đã được tiêm mũi thứ 2 vaccine bất hoạt này trong thời gian 3-6 trước khi tham gia. Họ đã được tiêm một mũi tăng cường và giả dược với tỷ lệ 1:1. Trong số những người tham gia, có tổng cộng 110 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm ở những người đã tiêm mũi tăng cường là 6,73%, trong khi con số này ở nhóm tiêm giả dược là 12,8%.
LivzonBio khẳng định hiệu quả của vaccine sau khi tiêm mũi tăng cường là 61,35%, đáp ứng và vượt mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong khi đó, cuộc thử nghiệm cũng phân tích các mẫu virus từ người tham gia đã nhiễm trước khi tham gia. Trong số này 60 mẫu nhiễm biến thể Omicron, phần còn lại vẫn đang được giải mã trình tự gene. Kết quả cho thấy mũi tăng cường V-01 có thể cung cấp khả năng bảo vệ tốt chống biến thể Omicron. LivzonBio cũng cho biết thêm rằng không xuất hiện vấn đề an toàn nào đáng lo ngại.
V-01 là vaccine sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp với miền liên kết thụ thể (RBD) là kháng nguyên. RBD là phần quan trọng nhất trong protein gai của virus gắn với tế bào tiếp nhận ACE2 của người, gây nhiễm. Tấn công RBD được xem như "chặt cánh tay" của virus và ngăn chúng xâm nhập các tế bào vật chủ. So với các cách tiếp cận khác mà các loại vaccine thường dùng để ngăn chặn virus, vaccine tấn công RBD tương đối dễ sản xuất vì đòi hỏi một lượng rất nhỏ protein gai của virus để bào chế vaccine. Vaccine này cũng ít tốn kém hơn và dễ bào quản và vận chuyển các loại khác
LivzonBio đã đề nghị cho phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại hơn 10 quốc gia; ngoài Pakistan và Malaysia còn có Ai Cập, Indonesia, Philippines, Nga, Rwanda và Nam Phi. Vào tháng 5, các nhà nghiên cứu từ Đại học Bắc Kinh và các viện nghiên cứu khác của Trung Quốc đã báo cáo trên tạp chí Nghiên cứu Tế bào rằng việc sử dụng vaccine protein tái tổ hợp RBD để tiêm vaccine mũi 3 có thể là phương án tiêm chủng tối ưu trong tương lai.