Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden tuần trước mở rộng "danh sách đen" các công ty mà người Mỹ không được phép đầu tư.
Cụ thể, luật mới quy định các cá nhân và tổ chức tham gia vào quá trình xây dựng cũng như thực thi các biện pháp phân biệt đối xử, đối với công dân và các tổ chức của Trung Quốc, sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt. Theo văn bản được Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) công bố, các biện pháp trừng phạt bao gồm không cấp thị thực, từ chối nhập cảnh, trục xuất ... và niêm phong, thu giữ và đóng băng tài sản của các cá nhân hoặc doanh nghiệp tuân thủ các lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với các doanh nghiệp hoặc quan chức Trung Quốc.
Luật trên là một trong những công cụ pháp lý mới và bao phủ nhất giúp Bắc Kinh đáp trả các trừng phạt của nước ngoài. Đạo luật này cũng được cho là sẽ giúp những biện pháp đáp trả của Bắc Kinh tăng thêm tính hợp pháp và dễ dự đoán hơn.
Hồi tháng 1 năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố các cơ chế đánh giá những hạn chế của nước ngoài đối với các hoạt động thương mại và kinh doanh của Trung Quốc, cũng như giúp các cá nhân hoặc công ty Trung Quốc kiện đòi bồi thường tại tòa án Trung Quốc.
Hôm 3/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp bổ sung 28 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" bị Washington áp đặt trừng phạt với lý do liên quan đến lĩnh vực công nghệ do thám hoặc quốc phòng. Theo đó, các nhà đầu tư Mỹ bị cấm đầu tư vào những công ty Trung Quốc có tên trong danh sách của Mỹ.
Trung Quốc ngay lập tức phản đối quyết định trên của ông Joe Biden. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Bắc Kinh hối thúc Washington tôn trọng luật lệ và nguyên tắc thị trường và rút khỏi danh sách các công ty Trung Quốc mà giới đầu tư Mỹ không được đầu tư. Ông Uông Văn Bân cũng kêu gọi Washington có hành động bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối với các công ty Trung Quốc.