Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 23/6 đưa tin Phòng thí nghiệm ngầm Beishan được xây dựng tại tỉnh Cam Túc sẽ là nơi nghiên cứu về lưu trữ dài hạn rác thải hạt nhân. Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc cho biết cơ sở này dự kiến được xây dựng ở vị trí 560m dưới mặt đất.
Ước tính nguồn kinh phí để xây dựng phòng thí nghiệm này là trên 2,7 tỷ nhân dân tệ và thời gian thi công là 7 năm. Phòng thí nghiệm dưới mặt đất Beishan dự kiến hoạt động trong 50 năm.
Thế giới đang có khoảng 250.000 tấn rác thải hạt nhân, tất cả đang được lưu trữ tạm thời. Hiện chưa có quốc gia nào tìm được giải pháp trữ dài hạn rác thải hạt nhân dưới lòng đất, một phần là do phản đối từ dư luận.
Trung Quốc cố gắng tìm ra lời giải cho vấn đề xử lý rác thải hạt nhân ở thời điểm Bắc Kinh chủ trương xây dựng thêm nhiều lò phản ứng mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng và trở thành quốc gia trung hòa carbon.
Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là đến năm 2025 tăng 40% năng lực hạt nhân so với mức cuối năm 2020. Điện hạt nhân hiện chỉ chiếm 5% điện tại Trung Quốc.
Rác thải hạt nhân được chia thành 3 nhóm dựa trên mức độ phóng xạ. Mức thấp thường bao gồm nguyên liệu sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân. Mức trung bình sẽ ghi nhận nồng độ phóng xạ cao hơn, thường là nguyên liệu sử dụng trong lò phản ứng. Hai mức này chiếm tới 99% rác thải hạt nhân.
Trung Quốc hiện có 3 cơ sở xử lý rác thải hạt nhân mức thấp và trung bình đặt tại tỉnh Cam Túc, Quảng Đông và Tứ Xuyên. Bắc Kinh hướng tới xây dựng thêm 5 cơ sở khác trong những năm tới.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Trung Quốc đã vận hành một nhà máy thử nghiệm xử lý rác thải hạt nhân tại tỉnh Cam Túc với công suất 200 tấn uranium mỗi năm. Trong "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" cho giai đoạn 2021-2025 công bố vào tháng 3, Bắc Kinh nhấn mạnh mục tiêu xây dựng thêm cơ sở xử lý rác thải hạt nhân mức thấp và trung bình và các nhà máy tái xử lý nhiên liệu hạt nhân.
Phần Lan đang xây dựng công trình trữ rác thải hạt nhân dưới lòng đất. Cơ sở này dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2023, với tổng chi phí xây dựng khoảng 2,6 tỷ euro.