Nguồn tin cho biết, giới chức Trung Quốc kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ được thiết kế quanh mốc thời gian Ngày Trái Đất (22/4), vì đây là dịp để hai nhà lãnh đạo tập trung vào chủ đề chống biến đổi khí hậu. Trước đó, chính quyền Joe Biden cũng đã công bố kế hoạch tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới trong ngày này để thúc đẩy tham vọng về kiểm soát khí thải phát sinh khí nhà kính. Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên loan báo về cuộc gặp Mỹ-Trung bên lề sự kiện này.
Khi được hỏi liệu giới chức ngoại giao cấp cao hai nước có đề cập đến cuộc gặp Tập Cận Bình-Joe Biden trong khuôn khổ tiếp xúc ở Alaska hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) ngày 18/3 cho biết hai bên hiện chưa có bất kỳ đồng thuận nào về chủ đề này. Nhưng tại Alaska, Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận rất nhiều nội dung.
Phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì cùng Ngoại trưởng Vương Nghị dẫn đầu đã tới Anchorage, Alaska sáng sớm ngày 18/3 (giờ địa phương) và dự kiến sẽ có vòng thảo luận đầu tiên với Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan vào tối cùng ngày. Cả Mỹ và Trung Quốc đều phát đi thông điệp không mong đợi về một kết quả đột phá ở Alaska, hai bên dự kiến cũng không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc họp.
Trước thềm cuộc gặp, Mỹ và Trung Quốc vẫn bất đồng trong định danh thảo luận ở Alaska. Washington không công nhận cách mô tả của Trung Quốc, coi đây là “đối thoại chiến lược cấp cao”. Ngoại trưởng Blinken ngày 17/3 mô tả, cuộc gặp thể thức 2+2 này là cơ hội để phía Mỹ chia sẻ trực tiếp, trực diện với Trung Quốc mối quan ngại của Mỹ và đồng minh về cách hành xử hiện hành của Bắc Kinh.
Trên mặt trận truyền thông, Tân Hoa xã ngày 18/3 đăng tải bài xã luận, khẳng định trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào 24 quan chức tại Trung Quốc, Hong Kong do liên quan đến thay đổi luật bầu cử Hong Kong đã gửi đi “thông điệp sai lệch” ngay trước vòng thảo luận ở Alaska.