Tờ Global Times đưa tin các nhà dịch tễ học Trung Quốc đã kêu gọi nỗ lực chung trên toàn cầu về nghiên cứu vaccine, kháng thể và thuốc điều trị biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2. Cùng lúc đó, giới chuyên gia bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực của Trung Quốc trong việc ngăn ngừa biến thể mới khi chỉ cần 2 tháng để phát triển vaccine nhắm vào Omicron, nếu liều bổ sung bị giảm hiệu quả.
Sinovac, một trong những nhà sản xuất vaccine hàng đầu của Trung Quốc, ngày 11/12 cho hay đã tiến hành nghiên cứu về Omicron sau khi nhận được mẫu phẩm của các nhà nghiên cứu ở Hong Kong. Nhóm nghiên cứu do ông Yuen Kwok-yung tại Đại học Hong Kong đã phân lập thành công biến thể Omicron vào ngày 29/11. Đây là nhóm chuyên gia đầu tiên ở châu Á làm được điều này.
Ông Wu Guizhen, chuyên gia hàng đầu tại Viện Quốc gia về Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh do virus, kết quả phân lập Omicron của Hong Kong đã giúp Trung Quốc Đại lục đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển vaccine liên quan.
Ngoài vaccine, thuốc trị COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc cũng duy trì được hiệu quả trung hoà với biến thể Omicron.
Tuy nhiên, cộng đồng khoa học Trung Quốc vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm liều vaccine bổ sung nhằm tăng lượng kháng thể trung hoà chống virus SARS-CoV-2. Thậm chí khi biến thể Omicron có thể lẩn trốn kháng thể, nồng độ kháng thể cao vẫn đảm bảo được tính hiệu quả của vaccine.
Nhà nghiên cứu về bệnh lây nhiễm hàng đầu Zhang Wenhong tự tin quốc gia này có năng lực kỹ thuật hiệu quả để đối phó với Omicron, đồng thời nêu ra ba lộ trình lây truyền tiềm ẩn. Kịch bản tồi tệ nhất là biến thể Omicron có sức lây lan mạnh và độc lực cao khiến việc tiêm liều vaccine bổ sung không còn hiệu quả bảo vệ.
Theo ông Zhang, nếu trường hợp này xảy ra, các loại vaccine có thể tiêu diệt nhiều biến thể khác nhau của COVID-19 sẽ là phương pháp đối phó đúng đắn nhất, và Trung Quốc có năng lực phát triển sản phẩm như vậy trong thời gian hai tháng.