Phát biểu tại Hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Moskva ngày 8/11, Vụ trưởng Vụ Giải trừ quân bị và Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong nêu rõ nước này không có ý định tham gia các cuộc đàm phán với Nga và Mỹ liên quan tới hiệp ước kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, ông khẳng định Trung Quốc sẵn sàng giảm bớt số lượng vũ khí hạt nhân của mình.
Quan chức ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Chúng tôi hối thúc hai siêu cường hạt nhân (Nga và Mỹ) đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân nhằm tạo điều kiện để các nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác tham gia các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân... Mỹ nên ngừng việc phát triển và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên phạm vi toàn cầu. Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (START Mới) giữa Washington và Moskva nên được gia hạn”.
Ông Fu Cong cho biết thêm Trung Quốc không quan tâm tới một cuộc chạy đua vũ trang, bất chấp những cáo buộc từ phía Washington, và sẽ tiếp tục theo đuổi con đường phát triển hòa bình và chiến lược hạt nhân mang tính phòng thủ. “Trung Quốc là người bảo vệ trật tự thế giới, chứ không phải một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại như gán ghép của Mỹ. Trung Quốc không hứng thú với trò chơi quyền lực hay chính trị. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định theo đuổi con đường phát triển hòa bình và chiến lược hạt nhân mang tính phòng thủ”, quan chức ngoại giao này nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố Washington muốn đạt được thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với Nga, Trung Quốc và cả những nước khác.
Hãng TASS (Nga) ngày 5/11 dẫn lời Tổng thống Trump nêu rõ: “Hiện nay chúng tôi đang xem xét về kiểm soát vũ khí. Chúng tôi trao đổi với Trung Quốc, Nga. Tôi cho rằng họ đều nên quan tâm triển khai điều này, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, Tổng thống Trump từ chối trả lời câu hỏi liệu Mỹ có chủ chương kéo dài Hiệp ước START mới hay không.
Hiệp ước START mới được Mỹ và Nga ký năm 2010 trong đó quy định 7 năm sau khi có hiệu lực, hai bên sẽ triển khai tối đa 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược; 1550 đầu đạn và 800 bệ phóng tên lửa.
Hiệp ước START mới sẽ có hiệu lực đến ngày 5/2/2021 và có thể kéo dài thêm 5 năm trong điều kiện cả hai phía cùng thống nhất.
Nga từng đề nghị Mỹ không trì hoãn giải quyết các vấn đề liên quan tới mở rộng hiệp ước START mới vốn được gọi là “tiêu chuẩn vàng” trong giải trừ vũ khí. Vậy nhưng, chính quyền Tổng thống Trump nhiều lần bắn tín hiệu rằng khó có khả năng gia hạn START mới. Mỹ cũng chưa trực tiếp nhấn mạnh lập trường về quan điểm này.
Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận mà nước này đã ký kết với Nga năm 1987. Mỹ và các nước đồng minh lo ngại rằng Trung Quốc - nước không tham gia INF - đang giành được lợi thế quân sự đáng kể ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách phát triển các tên lửa có phạm vi vượt quá giới hạn của hiệp ước này.