Trụ sở kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán thành phố Tương Đàm cho biết các vụ vỡ đê dọc sông Kiến Thủy xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 28 đến ngày 29/7, sau khi bão Gaemi gây ra lũ lụt phá kỷ lục trên sông này. Lần vỡ đê đầu tiên đã được khắc phục thành công vào ngày 29/7. Hai vụ vỡ đê gần đây nhất xảy ra tại khúc sông thuộc thành phố Tương Đàm, cũng đã được sửa chữa vào chiều ngày 4/8 và sáng ngày 5/8 (giờ địa phương).
Sông Kiến Thủy chảy vào sông Tương - một nhánh chính của sông Dương Tử. Các nhân viên cứu hộ cho biết 80 đơn vị máy móc hạng nặng, bao gồm máy xúc và máy ủi, đã được điều đến để sửa chữa đê.
Mưa bão lớn đã hoành hành tại tỉnh Hồ Nam từ cuối tháng 7 vừa qua, gây ra lũ quét, lở đất, phá hủy nhà cửa và đường sá. Thành phố Tư Hưng bị ảnh hưởng nặng nề, khi mưa lớn đã cướp đi sinh mạng của 30 người và 35 người khác mất tích.
Trong khi đó tại tỉnh Liêu Ninh miền Đông Bắc Trung Quốc, trên 28.000 cư dân đã phải sơ tán sau một đợt mưa lớn mới, khiến mực nước của 6 con sông vượt quá mức cảnh báo.
Mưa lớn trút xuống nhiều nơi trong tỉnh từ 7h sáng 4/8 đến 7h sáng 5/8, trong đó lượng mưa lớn nhất trong một giờ lên tới 81,9 mm tại quận Hưng Long Đài, thành phố Bàn Cẩm. Lượng mưa trung bình tại tỉnh Liêu Ninh lên tới 25,4 mm trong 24 giờ.
Theo trụ sở kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán của tỉnh, để ứng phó với đợt mưa bão mới nhất này, 8 trong số 14 thành phố cấp tỉnh thuộc tỉnh Liêu Ninh đã phải kích hoạt các biện pháp ứng phó khẩn cấp cấp độ III hoặc cấp độ IV để kiểm soát lũ lụt. Trong đó, thủ phủ Thẩm Dương cũng đã kích hoạt ứng phó khẩn cấp cấp độ III.
Hệ thống ứng phó khẩn cấp để kiểm soát lũ lụt của Trung Quốc gồm 4 mức, trong đó cấp độ I là mức khẩn cấp nhất.
Sở tài nguyên nước tỉnh Liêu Ninh đã huy động người dân tuần tra sông và kiểm tra hồ chứa. Đài quan sát khí tượng tỉnh cho biết dự kiến sẽ có nhiều mưa hơn trong hai ngày 6 - 7/8.