Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (giữa), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp lịch sử tại Seoul ngày 1/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại cuộc gặp, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi những nỗ lực chung nhằm duy trì và tăng cường đà tích cực trong cách tiếp cận giữa hai nước. Thủ tướng Trung Quốc nêu rõ hai nước cần xử lý các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ chính trị song phương dựa trên tinh thần đối diện thẳng thắn với lịch sử và coi lịch sử là một tấm gương, đồng thời đảm bảo chắc chắn mối quan hệ chiến lược song phương phát triển toàn diện phục vụ lợi ích chung.
Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh những nỗ lực của Tokyo nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định lòng tin kiên định trong nguyên tắc xây dựng mối quan hệ chiến lược hai bên cùng có lợi với Trung Quốc.
Theo người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, hai bên đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán liên quan đến hoạt động khai thác khí đốt trên Biển Hoa Đông, đồng thời sẽ tích cực phối hợp để sớm thực thi cơ chế liên lạc giữa quân đội hai nước nhằm tránh những va chạm không đáng có trên Biển Hoa Đông. Cũng theo người phát ngôn này, hai nước đã nhất tổ chức đối thoại kinh tế cấp cao vào năm tới sau 6 năm bị ngừng trệ. Dự kiến, Ngoại trưởng Nhật Bản và một Phó Thủ tướng Trung Quốc sẽ đồng chủ trì cuộc đối thoại này với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có cả vấn đề chính trị. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí nối lại các chuyến thăm cấp ngoại trưởng hai nước.
Quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc trở nên căng thẳng trong các năm 2012 và 2013 liên quan đến những vấn đề lịch sử và tranh chấp quần đảo Senkaku theo cách gọi của Tokyo ở Biển Hoa Đông mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Căng thẳng leo thang sau khi Nhật Bản vào năm 2013 tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo này. Trong khi đó, các tàu của Trung Quốc cũng đã nhiều lần đi vào khu vực gần quần đảo tranh chấp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mối quan hệ song phương này đã ghi nhận những dấu hiệu tan băng sau khi Nhật Bản và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về nguyên tắc 4 điểm vào tháng 11/2014. Hai bên đã thúc đẩy nhiều cuộc trao đổi, đối thoại an ninh song phương giữa chính phủ cũng như các nhà lập pháp hai nước.