Theo tờ The Guardian, Ukraine dự kiến được trao một gói đảm bảo an ninh vào phút cuối tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là đảm bảo của các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp và Đức rằng sẽ tiếp tục viện trợ và huấn luyện quân sự cho Ukraine trong dài hạn.
Mỹ và Đức nói riêng dường như không sẵn sàng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO trong khi cuộc xung đột với Nga đang diễn ra. Điều này khiến những người thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không hy vọng nước này có được một con đường cụ thể để trở thành thành viên NATO.
Ngày 8/7, Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba, thừa nhận rằng điều còn thiếu là một quyết định giúp Ukraine trở thành thành viên NATO nhanh hơn, trong đó có thông tin rõ ràng về lời mời gia nhập cho Ukraine. Ông Kuleba cho rằng hội nghị NATO tại Litva sẽ là thời điểm đặc biệt để đẩy nhanh điều này.
Về vấn đề này, ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Ukraine chưa sẵn sàng trở thành thành viên của NATO. Ông nói gia nhập NATO là một quá trình cần thời gian để đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn, từ dân chủ hóa đến một loạt các vấn đề khác. Theo ông Biden, NATO cần vạch ra một lộ trình hợp lý cho quá trình trở thành thành viên. Ông nói Mỹ có thể viện trợ quân sự cho Ukraine tương tự như hỗ trợ Israel từ trước tới nay.
Ukraine cho rằng trở thành thành viên NATO là sự đảm bảo thực tế lâu dài duy nhất cho an ninh của nước này.
Trước đó, ngày 7/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ có lời tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO.
Điều lo ngại của NATO về kết nạp Ukraine khi chiến sự với Nga đang diễn ra liên quan đến điều 5 của hiến chương thành lập NATO. Điều này nêu rõ từng thành viên nhất trí rằng tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều thành viên NATO sẽ được coi là tấn công nhằm vào toàn bộ khối. Điều 5 yêu cầu các quốc gia thành viên tham gia bảo vệ đất nước đang bị tấn công.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng người dân Mỹ lo ngại về việc Mỹ liên quan tới một cuộc xung đột ở châu Âu.
Điều này có nghĩa là các nước sẽ nhấn mạnh vào những lời hứa khác với Ukraine tại Vilnius. Trọng tâm của những điều này có thể là những đảm bảo mới, nhấn mạnh đến việc cung cấp vũ khí dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác, trong đó có cả hỗ trợ kinh tế.
Theo tờ Financial Times, các thành viên NATO đang gây sức ép buộc Mỹ và Đức thể hiện lập trường ủng hộ Ukraine nhiều hơn trong vấn đề gia nhập NATO. Trước đó, tờ Telegraph đưa tin Đức có kế hoạch tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới rằng Ukraine không nên được cấp tư cách thành viên trong NATO. Tờ báo cho biết Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực đưa ra đề xuất "Bucharest +", tức là một loạt đề nghị an ninh song phương dành cho Ukraine, thay vì đề nghị Ukraine trở thành thành viên NATO. Các đề xuất bảo đảm an ninh riêng lẻ cho Ukraine sau đó sẽ được kết hợp thành một thỏa thuận bảo trợ dưới dạng một biên bản ghi nhớ, được NATO và EU tán thành.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga yêu cầu các mối quan ngại về an ninh liên quan đến NATO được tôn trọng. Theo đài RT (Nga), ông Medvedev đã đưa ra tuyên bố trên trong bài phát biểu ngày 2/7. Ông nói: “Điều mà Nga luôn kêu gọi là không mời các vùng lãnh thổ cũ của đất nước chúng tôi gia nhập NATO. Đặc biệt là với những nước mà chúng tôi có tranh chấp lãnh thổ”. Ông cũng nhấn mạnh Nga sẽ ngăn chặn mối đe dọa về việc Ukraine gia nhập NATO bằng mọi cách.
Ông Medvedev cũng cảnh báo rằng vì các thành viên NATO nói rằng họ không thể kết nạp một quốc gia đang tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang, nên cuộc xung đột hiện tại Ukraine sẽ còn kéo dài, bởi sự tồn vong của nước Nga đang bị đe dọa.