Trả lời phỏng vấn nhật báo Hình ảnh (Bild) của Đức, ông Duda cho biết: "Theo tôi, việc chi trả tiền đền bù là vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa".
Dẫn một báo cáo của cựu Tổng thống Lech Kaczynski và một báo cáo của Quốc hội Ba Lan, ông Duda nhấn mạnh thiệt hại do chiến tranh gây ra đối với Ba Lan chưa bao giờ được đền bù. Ông chỉ ra ví dụ điển hình là thủ đô Vácsava đã "bị quân đội Đức san phẳng" trong cuộc chiến tranh này, đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề "sự thật và trách nhiệm".
Dự kiến, hai chính phủ Ba Lan và Đức sẽ tiến hành một hội đàm chung tại thủ đô Vácsava ngày 2/11 tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel và một số bộ trưởng sẽ họp với người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki và nội các của ông.
Berlin cho đến nay thường bác bỏ các yêu cầu đền bù cuộc chiến tranh trong quá khứ, nói rằng Ba Lan đã chính thức khước từ quyền đưa ra các yêu cầu như thế vào thời điểm tháng 8/1953.
Cách đây 73 năm, Ba Lan là nước bị Đức quốc xã tấn công đầu tiên dẫn tới cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Những vấn đề về bồi thường chiến tranh cho các nước thắng trận đã được giải quyết tại Hội nghị Postdam (hội nghị giữa ba nhà lãnh đạo cường quốc lớn khi đó là Liên Xô, Mỹ, Anh trong liên minh chống phát xít) từ ngày 17/7 -2/8/1945.
Quốc gia bị buộc phải trả khoảng bồi thường lớn nhất là Đức, song các nước đồng minh đã nhất trí việc thanh toán tiền bồi thường không làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn của người dân Đức.
Bồi thường chiến tranh là nghĩa vụ thường thấy sau các cuộc chiến tranh. Ngoài Đức, nhiều nước khác cũng phải bồi thường chiến tranh như Nhật Bản, Italy, Phần Lan, Hungary, Romania và Bulgaria.