Trưởng ban tổ chức Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, ông Lee Hee Beom tại cuộc họp báo ở PyeongChang ngày 23/1. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Lee Hee-beom cho biết: “Những điều mà mới chỉ 2 tháng trước đây, chúng ta không nghĩ rằng có thể diễn ra thì giờ đây lại đang trở thành hiện thực. Ngay từ đầu chúng ta đã chuẩn bị cho việc Triều Tiên tham gia và các nỗ lực này đến nay đã mang lại kết quả”.
Bên cạnh đó, quan chức trên cho biết thêm rằng kế hoạch của Triều Tiên tổ chức diễu binh quy mô lớn vào ngày 8/2 tới ngay trước thềm Olympic sẽ không thay đổi được động lực của sự kiện thể thao toàn cầu này, mặc dù nhiều chuyên gia của Hàn Quốc cho rằng động thái trên sẽ là một cơ hội để Triều Tiên phô trương sức mạnh quân sự bằng cách công bố nhiều loại tên lửa tầm xa và máy bay quân sự.
Quan hệ liên Triều đã có dấu hiệu tích cực kể từ đầu năm 2018, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề nghị cử đoàn tới tham dự Olympic PyeongChang 2018, kỳ Olympic đầu tiên diễn ra tại Hàn Quốc. Hai miền đã thảo luận việc Triều Tiên tham gia và đạt thỏa thuận về việc 2 đoàn cùng diễu hành và lập đội khúc côn cầu trên băng nữ chung. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã chấp thuận thỏa thuận này.
Vận động viên và quan chức của hai miền Triều Tiên sẽ cùng diễu hành trong một đội tại lễ khai mạc Olympic PyeongChang vào tối 9/2 và đây là lần thứ tư, 2 đoàn cùng diễu hành như vậy tại các kỳ Olympic.
Trước đó, 2 miền Triều Tiên đã lập các đội thi đấu chung tại các giải vô địch thế giới về bóng bàn và bóng đá trẻ nhưng chưa bao giờ có đội chung tại bất kỳ Thế vận hội nào. Hiện Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh do cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chỉ chấm dứt bằng một lệnh đình chiến chứ không phải một hiệp định hòa bình.