Lần thứ hai kể từ đầu năm, Trưởng Đặc khu Hồng Công, ông Tăng Âm Quyền, phải công khai xin lỗi dân chúng vì đã hưởng sự khoản đãi xa hoa.
Ông Tăng Âm Quyền xin lỗi công chúng ngày 1/6. Ảnh: Internet. |
Trong cuộc gặp gỡ với giới truyền thông trưa 1/6, ông Tăng Âm Quyền thừa nhận cá nhân mình đã xử lý không thỏa đáng vấn đề nêu trên, khiến niềm tin của công chúng và sự liêm khiết, phụng sự việc công của chính quyền bị lung lay, dẫn tới sự thất vọng đối với nhân viên công vụ.
Vì vấn đề này, ông Tăng Âm Quyền đã cúi đầu xin lỗi công chúng và đây là lần thứ hai trong năm người đứng đầu chính quyền Đặc khu phải làm việc này.
Theo trang tin của hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA, Trung Quốc), dù sắp mãn nhiệm, nhưng ông Tăng Âm Quyền đang phải đối mặt tới thời kỳ đen tối nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.
Ngoài việc bị nghi ngờ đã nhận những “thuận lợi” mà một số doanh nhân dành cho, ông Tăng Âm Quyền còn bị chỉ trích là đã sử dụng phòng Tổng thống xa hoa khi công cán nước ngoài.
Trước đó, vào ngày 31/5, Cục Kiểm toán Hồng Công đã đưa ra báo cáo cho biết từ khi làm Trưởng Đặc khu (vào cuối tháng 6/2005) tới nay, ông Tăng Âm Quyền đã có 55 chuyến đi nước ngoài, trong đó có 49 đêm ngủ khách sạn được thanh toán bằng ngân sách.
Trong 49 đêm này có 80%, tức là 41 đêm, ông Tăng Âm Quyền nghỉ trong phòng suite đặc biệt, đắt nhất như phòng Tổng thống.
Vào tháng 4/2012, ông Tăng Âm Quyền sang thăm Braxin và nghỉ trong phòng Tổng thống với giá 52.000 HKD/đêm với lý do tạo điều kiện thuận lợi cho việc họp hành.
Nhưng báo cáo lại chỉ rõ ông Tăng Âm Quyền và các nhân viên tùy tùng chỉ nhóm họp tại phòng này 25 phút và tại căn phòng này không có cuộc họp chính thức nào khác diễn ra.
Vì thế, Cục Kiểm toán nghi ngờ về tính cần thiết phải họp hành trong một căn phòng xa hoa đồng thời nói rõ là chính quyền đã không có được sự giải thích hợp lý về việc này.
Vào đầu năm nay, giới truyền thông Hồng Công đã tiết lộ việc ông Tăng Âm Quyền đã sử dụng máy bay và du thuyền của doanh nhân khi đi nghỉ ở Ma Cao và Nhật Bản.
Hành vi nêu trên của ông Tăng Âm Quyền bị nhìn nhận là “công tư không phân rõ” và gặp phải sự chỉ trích của dư luận.
Minh Thành