Nghiên cứu cho thấy nữ nhân viên y tế 31 tuổi nhiễm biến thể Delta trước, tiếp đó nhiễm biến thể Omicron.
Danh tính nữ nhân viên y tế trên hiện chưa được tiết lộ. Theo báo cáo, người này đã mắc COVID-19 vào tháng 12/2021, khoảng 12 ngày sau khi cô tiêm mũi vaccine tăng cường. Cô không có triệu chứng bệnh và đã thực hiện cách ly 10 ngày. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi quay lại làm việc vào tháng 1/2022, cô bắt đầu có những triệu chứng nhiễm virus như ho, sốt và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trường hợp này sẽ được ra thảo luận tại Hội nghị Vi sinh lâm sàng và các bệnh nhiễm trùng châu Âu dự kiến diễn ra tại Bồ Đào Nha trong tháng 4 này.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, trường hợp này cho thấy kể cả những người đã tiêm phòng COVID-19 và mắc bệnh cũng không nên chủ quan rằng họ sẽ được bảo vệ trước nguy cơ tái nhiễm. Theo Tiến sĩ Gemma Recio của Viện Catala de la Salut tại Tây Ban Nha, một trong những tác giả nghiên cứu, trường hợp này cho thấy biến thể Omicron có khả năng né tránh được hàng rào miễn dịch được hình thành từ trước. Tuy nhiên, việc tiêm phòng COVID-19 và lần lây nhiễm đầu tiên đã phần nào giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng và nhập viện khi nhiễm Omicron ở lần nhiễm sau.
Trường hợp này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc giải mã trình tự gene của virus đối với những người mắc COVID-19 sau khi đã tiêm phòng đủ và những người tái nhiễm. Việc theo dõi những trường hợp này sẽ giúp phát hiện những biến thể có khả năng chống lại phản ứng miễn dịch.
Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Tây Ban Nha, nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron cao gấp 10 lần so với biến thể Delta. Omicron hiện vẫn là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại phần lớn các khu vực trên thế giới.